Ngày càng có nhiều nhiều phụ nữ Trung Quốc có học vấn cao ủng hộ “chủ nghĩa độc thân”.
Một phụ nữ như vậy, cô Sài Vạn Nhu, cho rằng hôn nhân là một thông lệ không công bằng.
“Dù cực kì thành công hay chỉ là người bình thường, phụ nữ vẫn là người phải hy sinh nhiều nhất trong nhà”, cô Sài chia sẻ với Reuters tại một quán cà phê ở thành phố Tây An (Trung Quốc).
“Nhiều người kết hôn ở thế hệ trước, đặc biệt là phụ nữ, đã hy sinh bản thân và sự nghiệp của mình mà không có cuộc sống hạnh phúc như họ mong đợi. Có một cuộc sống tốt cho riêng mình đã đủ khó khăn rồi”, cô nói thêm.
Theo dữ liệu chính thức, dân số độc thân trên 15 tuổi của Trung Quốc đạt kỷ lục 239 triệu người vào năm 2021. Tuy nhiên một tín hiệu lạc quan hơn là số lượng đăng ký kết hôn năm 2023 tăng nhẹ, sau mức thấp lịch sử vào năm 2022.
Theo một cuộc khảo sát năm 2021, trong khoảng 2.900 thanh niên thành thị chưa kết hôn thì có tới 44% phụ nữ bày tỏ ý định độc thân suốt đời.
Bên cạnh đó, xu hướng trì hoãn kết hôn đang dần phổ biến. Theo đó, độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu tăng từ 24,89 vào năm 2010 lên mức 28,67 vào năm 2020, theo dữ liệu điều tra dân số. Con số này chạm mức 30,6 đối với nam và 29,2 đối với nữ vào năm 2023 tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), theo thống kê của thành phố này.
Nhiều cộng đồng trực tuyến đã được lập ra, giúp các phụ nữ thích lối sống độc thân tìm được những người bạn cùng chí hướng. Những bài đăng có hashtag “Không kết hôn, không sinh con” của những người phụ nữ có ảnh hưởng (thường ở độ tuổi 30 – 40 ) trên mạng xã hội Xiaohongshu – tương tự như Instagram – thường xuyên nhận được hàng nghìn lượt thích.
Trên một mạng xã hội khác, đề tài ủng hộ xu hướng không kết hôn có tới 9.200 thành viên tham gia. Riêng diễn đàn dành riêng cho những người theo “chủ nghĩa độc thân” có 3.600 thành viên chủ yếu thảo luận về kế hoạch nghỉ hưu tập thể và các chủ đề khác.
Khó tìm người xứng đáng
Nhiều phụ nữ được phỏng vấn cho biết những yếu tố chính khiến họ quyết định sống độc thân và không có con bao gồm mong muốn khám phá bản thân, vỡ mộng với tính gia trưởng của nam giới Trung Quốc, và thiếu bạn đời “sáng giá”.
Bình đẳng giới cũng đóng một vai trò quan trọng. Tất cả phụ nữ đều cho biết rất khó tìm được một người đàn ông coi trọng quyền tự chủ của phụ nữ và và muốn chia sẻ công bằng trách nhiệm trong công việc gia đình.
Giáo sư xã hội học tại Đại học California Thư Hiểu Linh cho biết: “Có nhiều phụ nữ có trình độ học vấn cao nhưng lại thiếu đàn ông có trình độ học vấn cao”. Theo dữ liệu chính thức, chính sách một con kéo dài nhiều thập niên đã khiến số lượng nam giới ở Trung Quốc nhiều hơn nữ giới đến 32,3 triệu người vào năm 2022.
Vào năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nuôi những dưỡng một nền văn hóa mới về hôn nhân và sinh con trong bối cảnh dân số Trung Quốc giảm hai năm liên tiếp và tỷ lệ sinh mới đạt mức thấp nhất trong lịch sử.
Mặc dù một số nhà phân tích tin rằng số người độc thân suốt đời sẽ không tăng theo cấp số nhân trong tương lai, nhưng việc trì hoãn thời gian kết hôn và tỷ lệ sinh giảm có thể sẽ là mối đe dọa đối với các mục tiêu nhân khẩu học ở Trung Quốc.