Nhận lời mời của Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào Không liên kết tại Kampala, Uganda từ 19-20/1. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã có cuộc trao đổi với TG&VN trước thềm Hội nghị.
Hội nghị Cấp cao lần thứ 19 Phong trào KLK sẽ có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và đại diện 120 quốc gia thành viên, đại diện các nước quan sát viên và các tổ chức quốc tế. Xin Đại sứ chia sẻ về ý nghĩa và những nội dung trọng tâm của Hội nghị lần này?
Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng. Kể từ Hội nghị Cấp cao Phong trào KLK gần nhất (tháng 7/2019), thế giới đã trải qua nhiều biến động – các cuộc xung đột, điểm nóng diễn biến phức tạp, đặc biệt là xung đột giữa Israel–Hamas ngày càng leo thang trầm trọng.
Các cuộc khủng hoảng đa chiều, các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19, đang tiếp diễn và gây khó khăn, cản trở việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Cộng đồng quốc tế cũng đang có nhiều nỗ lực thúc đẩy các tiến trình cải tổ, định hình lại thể chế và hợp tác đa phương tiến tới phục hồi và ứng phó tốt hơn với những thách thức này.
Là một trong những tập hợp lực lượng quan trọng của các nước đang phát triển với hơn 100 quốc gia thành viên, Phong trào KLK cần đóng vai trò dẫn dắt trong các tiến trình quan trọng này để phát huy mạnh mẽ hơn tiếng nói và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao Phong trào KLK tại Kampala sẽ có nhiều thảo luận quan trọng. Các nước thành viên KLK sẽ có cơ hội chia sẻ quan điểm toàn diện về các vấn đề toàn cầu và khu vực, đặc biệt là tình hình xung đột tại Dải Gaza, cũng như tái khẳng định cam kết đối với các nguyên tắc và vai trò của KLK trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị cũng nhấn mạnh Phong trào cần tiếp tục kiên trì các nguyên tắc của KLK nhằm củng cố tinh thần đoàn kết, tăng cường hợp tác, giảm thiểu khác biệt giữa các nước thành viên, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của Phong trào trong việc tham gia giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, và thúc đẩy phát triển bền vững của các quốc gia.
Hội nghị cũng dự kiến thông qua Văn kiện Cuối cùng với nội dung toàn diện, phản ánh lập trường chung của Phong trào KLK trên các vấn đề lớn như giải trừ quân bị, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế, cải tổ thể chế kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế, cũng như tăng cường hành động khí hậu, thực hiện các SDGs.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ). (Nguồn: Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ) |
Văn kiện này sẽ có giá trị quan trọng nhằm định hướng hợp tác và hành động trong khuôn khổ KLK, cũng như thúc đẩy sự tham gia sâu hơn của Phong trào vào các tiến trình quản trị toàn cầu quan trọng trong thời gian tới, đặc biệt là tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai sẽ diễn ra trong năm 2024.
Là một trong những thành viên tích cực của Phong trào KLK ngay từ những ngày đầu tham dự, thông điệp mà Việt Nam mong muốn gửi đến Hội nghị là gì, thưa Đại sứ?
Ngay từ những ngày đầu hình thành ý tưởng về KLK, Việt Nam đã tích cực cùng các quốc gia thảo luận, xác lập các nguyên tắc cơ bản, chỉ đạo hoạt động của Phong trào KLK tại Hội nghị Bandung năm 1955.
Phong trào giải phóng dân tộc của Việt Nam là một trong những đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh chung của các nước thành viên KLK và thành công đầu tiên của Phong trào trong xoá bỏ chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc ở phạm vi toàn cầu. Sau khi chính thức gia nhập KLK vào năm 1976, Việt Nam đã có nhiều đóng góp, trao đổi thiết thực và xây dựng, từng bước trở thành thành viên có tiếng nói và vai trò trong Phong trào KLK.
Trên cơ sở đó, tại Hội nghị Cấp cao lần này, Việt Nam tiếp tục tham gia với thông điệp xuyên suốt là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tình đoàn kết, cũng chính là cơ sở sức mạnh của Phong trào KLK, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động hiện nay. Các nguyên tắc Bandung về không liên kết, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, tôn trọng bình đẳng chủ quyền, không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực chống lại quốc gia khác, không can thiệp vào công việc nội bộ và giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hoà bình tiếp tục là kim chỉ nam quan trọng hướng dẫn hành động của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Bởi vậy, Phong trào KLK cần phát huy tiếng nói chung mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ những nguyên tắc này, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế vẫn còn tồn tại.
Việt Nam cũng cho rằng, là tập hợp của đa số các nước thành viên LHQ, Phong trào KLK cần phát huy hơn nữa vai trò và tiếng nói của mình trong quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tham gia thực chất và hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức hiện nay.
Tại Hội nghị, Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, qua đó thể hiện vai trò và hình ảnh là một thành viên có trách nhiệm của Phong trào KLK nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.
Xin cám ơn Đại sứ!
Phong trào Không liên kết (KLK) là một tập hợp lực lượng đặc biệt ra đời trong cao trào giải phóng dân tộc và trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thế giới mới. Từ 25 thành viên ban đầu, KLK đến nay là một tập hợp lực lượng rộng rãi gồm 120 thành viên (53 nước châu Phi, 26 nước châu Mỹ Latinh, 37 nước châu Á, 1 nước châu Âu, 3 nước châu Đại dương) ở tất cả các châu lục, chiếm gần 2/3 tổng số thành viên Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 51% dân số thế giới; có 15 nước và 11 tổ chức quốc tế là quan sát viên; có vai trò và tiếng nói trên nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ LHQ. Từ khi tham gia phong trào, Việt Nam luôn coi trọng Phong trào KLK; tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với sự tham gia tích cực của mình, Việt Nam luôn là thành viên có tiếng nói và vai trò trong Phong trào KLK. Ta cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Việt Nam luôn coi việc tham gia vào Phong trào KLK là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của ta. Ta chủ trương tham gia và đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước KLK, đang phát triển. |