Thanh tra TP Hà Nội đề nghị xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khiến dự án Nhổn – ga Hà Nội nhiều lần lùi tiến độ, đội vốn từ 783 lên 1.378 triệu euro.
Thanh tra TP Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra một số nội dung tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố, đoạn Nhổn – ga Hà Nội (metro Nhổn – ga Hà Nội). Đơn vị này thanh tra ba nội dung: Đánh giá hồ sơ dự thầu; ký hợp đồng với nhà thầu và giám sát, sử dụng nhà thầu phụ.
Metro Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km, với 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, đi qua 6 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm và Ba Đình. Theo kết luận thanh tra, hầu hết quận chậm bàn giao mặt bằng, trong đó quận Đống Đa mất 10 năm kể từ khi ra thông báo thu hồi đất đến khi bàn giao mặt bằng để thi công hai ga ngầm S10 Cát Linh và S11 Văn Miếu. Quận Ba Đình hoàn thành giải phóng mặt bằng để làm ga S9 Kim Mã mất 9 năm và quận Hoàn Kiếm bàn giao mặt bằng khu vực ga S12 (đối diện ga Hà Nội) sau 6 năm.
“Trách nhiệm thuộc về UBND các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án qua từng thời kỳ”, kết luận của Thanh tra Hà Nội nêu.
Ngoài bàn giao mặt bằng chậm, việc di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án cũng chậm, thời điểm thanh tra vào làm việc năm 2022 vẫn chưa hoàn thành phần việc này. Việc ký kết bàn giao mặt bằng của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho nhà thầu cũng không đúng tiến độ, thời gian chậm nhiều nhất so với tiến độ là 3 năm 8 tháng.
Thanh tra thành phố cho rằng trách nhiệm để xảy ra chậm tiến độ các phần việc nêu trên thuộc về MRB qua từng thời kỳ từ năm 2013 đến 2022. Cơ quan này đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm các tổ chức và cá nhân để xảy ra các tồn tại nêu trên; tham mưu cho UBND TP Hà Nội xử lý theo quy định; chỉ đạo MRB khắc phục những tồn tại.
Trước đó trả lời VnExpress, Phó ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu giải thích dự án chậm tiến độ bởi vướng giải phóng mặt bằng và năng lực nhà thầu depot hạn chế. Ví dụ để giải quyết một công trình vi phạm hành lang an toàn đường sắt của người dân đoạn chân thang ga S7 (ga chùa Hà) phải mất tới 4 năm. Depot do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – Hancop xây dựng, là gói thầu duy nhất toàn tuyến do nhà thầu trong nước thực hiện, chậm tiến độ tới 5 năm.
Chậm bàn giao mặt bằng khiến Hà Nội có thể mất hàng nghìn tỷ đồng tiền phạt. Năm 2020, nhà thầu Hàn Quốc thi công đoạn trên cao đòi bồi thường 19 triệu USD (hơn 450 tỷ đồng) vì nhận mặt bằng chậm 1,5 năm so với kế hoạch. Hai năm sau, nhà thầu liên danh Hyundai – Ghella hai lần dừng thi công ga ngầm, đòi bồi thường ít nhất 115 triệu USD (hơn 2.700 tỷ đồng) với lý do tương tự.
Lãnh đạo MRB không gọi đây là tiền phạt, mà là “chi phí bổ sung cho nhà thầu do phải kéo dài thời gian thi công không do lỗi của họ”. Khoản bổ sung chính xác là bao nhiêu chưa thể xác nhận, vì các bên “vẫn đang làm việc với nhau”. “Chúng tôi đã nỗ lực hết sức”, ông Hiếu nói. Lãnh đạo MRB “rút kinh nghiệm”, vì là dự án đường sắt thí điểm đầu tiên của Hà Nội.
Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội năm 2022 cũng đã báo cáo sự việc các cơ quan cấp trên. Trong báo cáo, TP Hà Nội nêu lý do chậm tiến độ và phải điều chỉnh thời gian thực hiện do công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật còn chậm trễ; năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư; sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở ngành thành phố còn nhiều hạn chế; ảnh hưởng của Covid-19; chế độ chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thay đổi.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – ga Hà Nội khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của đoạn trên cao từ depot Nhổn tới ga S9 (trước Đại học Giao thông Vận tải) là dịp 30/4-1/5 và toàn tuyến dự kiến là năm 2027.
Võ Hải