Xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 41,3 tỷ USD
Chiều 5/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành thông tin và truyền thông trong tháng 9/2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, ngành thông tin và truyền thông |
Thông tin về một số kết quả nổi bật tháng 9/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ: Ban hành Kế hoạch triển khai Luật giao dịch điện tử; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổng thể việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 và dự thảo Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.
Bộ cũng đã ban hành: Quyết định số 1864/QĐ-BTTTT ngày 28/9/2023 về việc đánh giá, xét duyệt các nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia.
Đặc biệt, từ ngày 20-23/9/2023, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 tại Đà Nẵng (AMRI 16) với chủ đề “Truyền thông: Từ thông tin tới tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” với quy mô lớn nhất trong các kỳ AMRI: 8 Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và Lãnh đạo cơ quan quản lý thông tin của 10 nước ASEAN, 3 nước đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), 1 nước quan sát viên (Timor Leste)…
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, trong tháng 9/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt 367.137 tỷ đồng, tăng 6% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 2.655.661 tỷ đồng.
Đồng thời, nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 9.295 tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 9/2023 ước đạt 74.097 tỷ đồng.
Về lĩnh vực công nghiệp ICT, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng (xấp xỉ 95,8 tỷ USD), giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 85,4 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 31% giá trị xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, xuất khẩu 2 nhóm hàng hóa “Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện”, “Điện thoại và linh kiện các loại” giữ vững 2 nhóm hàng đứng hàng đầu trong 12 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu cao của cả nước song sản lượng xuất khẩu bị sụt giảm so với cùng kỳ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9 năm 2023, giá trị xuất khẩu máy tính và linh kiện ước đạt gần 41,3 tỷ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại ước đạt trên 39,5 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập vẫn tăng ổn định. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đăng ký kinh doanh), tháng 9/2023 ước đạt 73.500 doanh nghiệp, tăng 700 doanh nghiệp so với tháng 8/2023 với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân ước đạt 0,739.
100% bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch/đề án chuyển đổi số
Về lĩnh vực Bưu chính, trong tháng 9/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 5.250 tỷ đồng tăng 3% so với tháng 8/2023 và tăng 15% so với tháng 9/2022; sản lượng bưu gửi ước đạt 220 triệu bưu gửi, tăng 3% so với tháng 8/2023 và tăng 30% so với tháng 9/2022.
Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 9 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng |
Đối với lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,76%, tăng 8,48 % so với cùng kỳ năm 2022. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,6 triệu thuê bao, tăng 4,1 triệu thuê bao (4,25 %) so với cùng kỳ năm 2022.
Số thuê bao băng rộng di động đạt 85,6 triệu thuê bao (tương ứng với 86,06 thuê bao/100 dân) tăng 3,88 % so với cùng kỳ năm 2022. Tốc độ băng rộng cố định 93,11 Mbps (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn trung bình thế giới là 82,77 Mbps.
Tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động 47,08 Mbps (tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 49 và cao hơn trung bình thế giới là 43,2 Mbps).
Về lĩnh vực kinh tế số và xã hội số, tỷ trọng kinh tế số/GDP Quý II/2023 ước đạt 15,26%, tỷ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%.
Tổng số lượt tải mới ứng dụng di động trong tháng 8/2023 là 323 triệu lượt. Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 9 toàn cầu và thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động.
Top các ứng dụng Việt Nam được tải về thiết bị nhiều nhất tính đến tháng 8/2023 là mạng xã hội Zalo, nền tảng VNEID và các ứng dụng thanh toán số (MB Bank, Viettel Pay, Ví MoMo, Vietcombank).
Trong tháng 8/2023, có 7 ứng dụng có số lượng tài khoản hoạt động đạt trên 10 triệu, gồm: Zalo, Zing Mp3, VNEID, Báo Mới, Ví MoMo, MBBank và My Viettel. Mạng xã hội Zalo tiếp tục ghi nhận gia tăng gần 500 nghìn tài khoản hoạt động.
Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 22/9/2023, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 76.905 Tổ Công nghệ số cộng đồng với 356.914 thành viên tham gia Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.
100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 (22/22 Bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật chính quyền điện tử 2.0).
Đồng thời, 100% Bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số. 5/22 Bộ, ngành; 63/63 địa phương đã ban hành nghị quyết, chương trình về chuyển đổi số; 100% Bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố).