Đau đầu, mất tập trung
L.T.T.T (30 tuổi, ở TP.Thủ Đức, TP.HCM) cao 1,54 m nặng 55 kg. Sau khi mang thai con đầu lòng, cô tăng 15 kg lên 70 kg, sau sinh cân nặng còn 65 kg. Mặc cảm vì thân hình nặng nề, cô lên mạng tìm cách giảm cân. Cô được khuyên nên cắt tinh bột, còn lại ăn chân giò, thịt cá thoải mái.
>> Muôn kiểu giảm cân: Nhịn ăn, uống nước mía, nước ép ớt chuông
“Tuy nhiên bước qua ngày thứ 4 tôi bắt đầu cảm thấy rất mệt mỏi, đầu óc lơ mơ, đau đầu, rất khát nước và táo bón. Khi hỏi thì mọi người có bảo giai đoạn đầu sẽ có tác dụng phụ này, ráng vài bữa sẽ quen. Nhưng tôi ăn thêm 2 ngày nữa, có sụt được 1 kg nhưng quá mệt nên bỏ cuộc”, chị T. cho biết.
Tương tự, nữ sinh L.T.C.Đ (19 tuổi), sinh viên một trường đại học tại TP.HCM cho biết cô đã áp dụng chế độ ăn cắt tinh bột để giảm cân trong 1,5 tháng. Kết quả khá mỹ mãn cô giảm được 4 kg.
“Mặc dù phương pháp này giảm cân khá hiệu quả nhưng tôi bị mất tập trung, sụt giảm trí nhớ so với giai đoạn trước, mau quên, nên tới giai đoạn thi học kỳ 2, tôi đã dừng lại”, Đ. cho biết.
Hay như T.L. (ở quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết cô bị đau đầu, chóng mặt, hay quên, không tập trung do thiếu carb (carbohydrate) sau khi cắt tinh bột để giảm cân trong thời gian ngắn.
Cơ thể thế nào nếu cắt giảm tinh bột?
PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, chế độ ăn ít carbohydrate (low carb), đặc biệt là chế độ ăn rất ít carbohydrate, có thể giúp giảm cân nhanh chóng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, hầu hết nghiên cứu cho thấy vào thời điểm 12 hoặc 24 tháng sau, lợi ích của chế độ này không khác biệt so với các chế độ ăn giảm cân khác.
“Hạn chế carbohydrate lâu dài có thể dẫn đến thiếu vitamin, chất khoáng vốn có trong các thực phẩm chứa carbohydrate và gây rối loạn tiêu hóa. Những người giảm ăn carbohydrate có thể sẽ ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo và protein có nguồn gốc động vật, từ đó dẫn đến nguy cơ về sức khỏe như bệnh tim mạch, ung thư…”, BS Vĩnh Niên chia sẻ.
BS Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, chia sẻ trong chế độ ăn thông thường, tỷ trọng tinh bột bao giờ cũng chiếm cao nhất (60-70%). Nếu trải qua giai đoạn cắt giảm tinh bột hoàn toàn khỏi chế độ ăn một cách đột ngột rất có thể bạn sẽ trải qua giai đoạn cơ thể bị “sốc”.
Carbohydrate (bao gồm: tinh bột, đường, chất xơ) là nguồn năng lượng chính cho hoạt động của cơ thể, đặc biệt là não là cơ quan cần nhiều năng lượng từ glucose nhất.
“Khi bạn không nạp đủ lượng carbohydrate cần thiết cho cơ thể sẽ gây ra tình trạng hạ đường huyết với các biểu hiện đói quá mức, run rẩy, buồn nôn, đổ mồ hôi, cảm thấy yếu, hoa mắt, nhìn mờ. Sau đó, cơ thể bạn bắt đầu đốt cháy chất béo để lấy năng lượng, dẫn đến trạng thái Ketosis với các biểu hiện hôi miệng, ít đói, mệt mỏi, khó ngủ, mất tập trung, táo bón,… tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe”, BS Hà phân tích.
>>> Đón xem bài tiếp sau “Muôn kiểu giảm cân: Bác sĩ chỉ ra sai lầm thường gặp“.