Chăm sóc lúa mùa thời kỳ đẻ nhánh

0
100
Chăm sóc lúa mùa thời kỳ đẻ nhánh


Chăm sóc cây lúa theo thời kỳ phát triển

Trên cánh đồng thôn Bòng, xã Tân Trào (Sơn Dương) đã phủ một màu xanh của lúa mùa. Nghỉ tay chăm sóc lúa, bà Hà Thị Duyên chia sẻ, vụ mùa này gia đình bà cấy 1 mẫu ruộng, chủ yếu giống Đài Thơm 8, BC15, thời điểm này lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh mạnh. Để cây lúa khỏe, đẻ nhánh mạnh gia đình bà đang tiến hành bón thúc phân tổng hợp NPK.  

Người dân xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) phun thuốc trừ bệnh cho lúa mùa.

Anh Phan Văn Oanh, nhân viên khuyến nông Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phụ trách xã Tân Trào cho biết, vụ mùa năm nay xã Tân Trào gieo cấy 141 ha lúa, trong đó 70 ha giống lúa lai, còn lại là lúa thuần với các giống lúa chủ yếu BC15, KM18, TBR 225, Nhị Ưu 8, Đài Thơm, Bắc Hương 9, nếp… Hiện nay, toàn bộ trà lúa của xã đang trong thời kỳ đẻ nhánh, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân xuống đồng chăm sóc lúa.

Theo anh Oanh, thời điểm lúa đẻ nhanh là thời điểm quan trọng có thể quyết định đến năng suất của cả vụ bởi năng suất lúa được hình thành dựa trên các yếu tố: số bông (số nhánh hữu hiệu)/đơn vị diện tích; số hạt chắc trên bông; trọng lượng hạt. Trong các yếu tố trên thì số nhánh hữu hiệu là yếu tố quan trọng nhất. Vậy để có số nhánh hữu hiệu cao nhất người dân cần hiểu rõ đặc điểm sinh trưởng của cây lúa, nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ và quan trọng nhất là chọn đúng chủng loại phân bón cho lúa.

Người dân cần tăng cường áp dụng các biện pháp chăm sóc theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Ở thời điểm này cây lúa cần bón bổ sung kali, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng qua lá cho cây trồng để cây trồng sinh trưởng, phát triển khỏe, nâng cao sức đề kháng với sâu bệnh. Cây lúa cần có đủ lượng nước ngâm chân để cây đẻ nhánh tốt hơn và đồng thời hạn chế chuột gây hại… 

Cần phòng, trị bệnh kịp thời

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay trà lúa chính vụ đang ở thời kỳ đẻ nhanh – đẻ nhánh rộ, trà lúa mùa muộn đang hồi xanh – đẻ nhánh. Thời tiết thuận lợi cũng là điều kiện lý tưởng để các loại sâu bệnh phát sinh gây hại cây lúa. Qua điều tra thực tế đồng ruộng, hiện nay trên lúa đã xuất hiện một số dịch hại như: rầy gây hại rải rác, mật độ nơi cao 7 – 10 con/m2; ốc bươu vàng gây hại cục bộ một số ruộng, tỷ lệ hại nơi cao 3 – 5 con/m2, cục bộ 4 – 8 con/m2, diện tích nhiễm 162,5 ha tại tất cả các huyện, thành phố; sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 gây hại rải rác, mật độ nơi cao 3 – 4 con/m2; chuột gây hại rải rác, nơi cao 3 – 4% số dảnh.

Người dân xã Thượng Lâm (Lâm Bình) làm cỏ cho lúa mùa.

Trên cánh đồng xã Thượng Lâm (Lâm Bình) một số hộ đang thực hiện phun trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Ông Ma Văn Sáng, thôn Nà Tông chia sẻ, vụ mùa này gia đình cấy 4 bung lúa (4.000 m2) giống Hưng Long 555 và Nhị ưu 8, những ngày qua trời mưa, ruộng đủ nước nên lúa đang phát triển tốt, tuy nhiên thời điểm này trên đồng ruộng đã xuất hiện sâu bệnh hại như bọ xít đen và sâu cuốn lá. Để sâu bệnh hại không phát triển gây hại cho toàn bộ diện tích lúa, gia đình đã phun thuốc trừ lần 1 và trong 2 – 3 ngày tới sẽ tiếp tục phun nhắc lại để trừ triệt để sâu bệnh.

Theo ghi nhận thời điểm này, sâu bệnh trên lúa mùa đã xuất hiện tại các địa phương, tuy nhiên sâu bệnh được kiểm soát và không gây hại lớn đến diện tích lúa. Theo ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thời gian tới là cao điểm của sâu bệnh gây hại, cụ thể, rầy lứa 5 nở rộ, gây hại tăng từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, mật độ phổ biến 300- 700 con/m2, cục bộ 1.000- 2.000 con/m2; sâu cuốn lá lứa 5 sẽ nở và gây hại tăng từ cuối tháng 7 trở đi mật độ phổ biến 10-20 con/m2, nơi cao 30 – 60 con/m2, cục bộ trên 100 con/m2. Bệnh khô vằn, bạc lá, chuột phát sinh và gây hại tăng đầu tháng 8 trở đi.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố cử nhân viên khuyến nông tích cực thăm đồng kiểm tra, đánh giá mức độ nhiễm bệnh ở từng giống lúa, thông báo, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Khi mật độ sâu cuốn lá nhỏ từ 25 đến 50 con/m2 thì sử dụng một trong các loại thuốc đặc trị để phun, như: Voliam targo 063SC, Prevathon 5SC, Amate 150SC, Takumi 20WG, Clever 150SC, Virtako 40WG, Opulent 150SC, Obaone 95WG,… Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” và nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, phun khi sâu đang ở tuổi nhỏ từ 1 tuổi đến 3 ngày tuổi và thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đúng nơi quyđịnh để bảo vệ môi trường.

Các ngành chức năng khuyến cáo người dân cần bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Người dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. 



Source link

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây