Chương trình OCOP: Chủ thể chủ động, sở

0
51
Chương trình OCOP: Chủ thể chủ động, sở


 

Bà Lê Huyền Thảo (bìa trái) giới thiệu về tiềm năng sản phẩm nấm bào ngư xám.

 

Chủ thể chủ động

Bà Lương Thị Vui, ngụ ấp Bào Sen, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải là chủ thể của 02 sản phẩm OCOP: mứt dừa non và mứt dừa đường thốt nốt. Theo bà Vui, kết quả sản xuất, kinh doanh sau khi có 02 sản phẩm đạt OCOP, tăng bình quân từ 20 – 30% về sản lượng và doanh thu. Gia đình đang có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, thị trường tiêu thụ…

Tìm hiểu về sự chủ động của chủ thể, bà Lương Thị Vui chia sẻ: cách đây 03 năm, tôi làm món mứt dừa non tặng một số chùa để đãi khách. Sau đó, được người dùng khen ngợi, đặt hàng, yêu cầu làm với số lượng nhiều hơn, vừa ăn, vừa để dành. Khi tặng sản phẩm thì không áp lực, nhưng khi bán, thì tôi rất lo. Không biết sản phẩm của mình có làm hài lòng người tiêu dùng không. Nhưng rồi rất mừng, nhiều bạn bè, người thân, khi gia đình có tiệc, điện thoại đặt hàng… cuối cùng tôi đã thành công và đã có 02 sản phẩm đạt OCOP.

Thị xã Duyên Hải không là vùng trọng điểm dừa, nhưng qua kinh nghiệm, tay nghề của bà Vui, đã cho ra đời 02 sản phẩm OCOP, đã làm hài lòng người tiêu dùng. Theo bà Lương Thị Vui, nguồn nguyên liệu hiện nay chủ yếu được thu mua từ các huyện: Châu Thành, Càng Long, Tiểu Cần. Do đầu ra sản phẩm thành phẩm chưa nhiều, bình quân từ 15 – 20kg/ngày, từ 40 – 50kg/ngày trong dịp Tết, nên nguyên liệu hiện dồi dào.

Với 02 sản phẩm được công nhận OCOP là niềm vui, nhưng theo bà Lương Thị Vui, sẽ nhân đôi niềm vui nếu được hưởng lợi từ các nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng sản xuất khang trang hơn. Khi đó, bà Vui sẽ cho ra đời thêm sản phẩm thứ 03: mứt dừa đường phèn; đồng thời, đăng ký thương hiệu, nhãn mác độc quyền, để từng bước đưa các sản phẩm vào siêu thị.

Cũng tại ấp Bào Sen, xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải với sản phẩm nấm bào ngư xám (đã hoàn thành hồ sơ, đang chờ thị xã thẩm định công nhận 03 sao năm 2023) của bà Lê Huyền Thảo; bà Thảo đã quyết tâm, chủ động tạo nguồn nguyên liệu, bà Thảo tin rằng sản phẩm nấm bào ngư xám của gia đình sẽ được công nhận sản phẩm OCOP. 

Đầu năm 2022, bà được vay 80 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ, bà Thảo đầu tư nhà trồng nấm, mua 7.000 phôi để trồng nấm bào ngư xám. Đến nay, bà đã thu hoạch 02 đợt phôi (mỗi đợt 08 lần thu hoạch); giá hiện tại từ 45.000 – 50.000 đồng/kg nấm bào ngư xám, lợi nhuận bình quân từ 25-27 triệu đồng/đợt. Qua thực hiện hồ sơ, cũng như kiểm tra chất lượng nguồn nguyên liệu thực tế, bà tin rằng sản phẩm nấm bào ngư xám của bà sẽ đạt sản phẩm OCOP 3 sao vào năm nay.

Sở, ngành tỉnh và địa phương tăng cường hỗ trợ

Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 15/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm chủ lực đến năm 2030; Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 13/4/2022 của Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và Tổ tư vấn Hội đồng triển khai thực hiện Chương trình đến các sở, ngành, địa phương. 

Giai đoạn 2019 – 2022, các sở, ngành tổ chức 93 lớp đào tạo, tập huấn. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 63 lớp, 1.926 lượt người dự; Sở Công thương tổ chức 08 lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh, xúc tiến thương mại, 90 học viên đại diện DN, hợp tác xã, cán bộ quản lý địa phương dự; Trường Đại học Trà Vinh tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ tham gia Chương trình OCOP, 90 học viên tham dự; Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức 21 lớp tập huấn về sở hữu trí tuệ cho các DN và hợp tác xã, 525 người dự…

Ngoài ra, các sở, ngành: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh… đã lồng ghép tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên và địa phương 77 lượt chuyên đề và 37 hội nghị, tọa đàm có liên quan đến OCOP.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ kết nối sản phẩm OCOP, đưa lên sàn thương mại điện tử và thị trường tiêu thụ sản phẩm được các sở, ngành quan tâm: Sở Công thương hỗ trợ các DN tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ: www.travinhtrade.vn; cập nhật 91 DN, với 493 loại sản phẩm (47 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao; 100 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và trên 100 loại sản phẩm nông sản, trái cây, sản phẩm khác); hỗ trợ 18 lượt DN tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tại các tỉnh: Vĩnh Long, Tây Ninh, Bình Thuận với trên 40 loại sản phẩm; hỗ trợ 30 lượt DN tham gia các gian hàng trực tuyến: Sendo.vn, Voso.vn, Tiki.vn, Postmart, Voso, trên 40 loại sản phẩm.

Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi, chỉ đạo DN bưu chính có sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 17/11/2021 về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn… có 88.911 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn (88.911 hộ) và Voso.vn (60.976 hộ), với 1.213 loại sản phẩm được quảng bá, giới thiệu trên sàn.

Trọng tâm của Chương trình OCOP nhằm phát triển kinh tế vực khu nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, thúc đẩy lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Vai trò của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong triển khai Chương trình OCOP là quan trọng; trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để định hướng phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, tạo các vùng sản xuất nguyên liệu hàng hoá, phát triển dịch vụ; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Kết quả về sản phẩm OCOP của tỉnh hiện nay là nhờ chủ thể chủ động, sở, ngành hỗ trợ. Với tinh thần đó, tỉnh đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, có thêm 165 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao là hoàn toàn khả thi.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN



Source link

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây