Khi cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và cấp xã trở thành đầu mối trực tiếp tiếp nhận, giải quyết phần lớn thủ tục hành chính, yêu cầu của người dân đòi hỏi các cơ quan dân cử phải có những điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt là sự chủ động, gắn bó chặt chẽ hơn với cơ sở, đảm bảo không để xảy ra khoảng trống trong giám sát hay khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân. Mục tiêu là thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Tại TPHCM, ngay từ những ngày đầu nhận vai trò Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM sau khi hợp nhất 3 địa phương, ĐBQH Nguyễn Văn Lợi đã thể hiện tinh thần nhập cuộc rõ nét. Ông trực tiếp xuống cơ sở, khảo sát hoạt động tại một số phường, lắng nghe ý kiến từ người dân và cán bộ địa phương về những khó khăn trong những ngày đầu vận hành mô hình mới. Việc “xuống hiện trường” ấy không chỉ giúp nắm bắt sát tình hình thực tiễn mà còn làm gia tăng tính kết nối, giám sát liên tục từ Quốc hội đến cơ sở, đảm bảo các yêu cầu của người dân được tiếp nhận, giải quyết kịp thời. Đặc biệt, qua khảo sát, giám sát, ĐBQH đề xuất các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, về nhân sự và tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn của bộ máy mới còn tác động tích cực đến hoạt động của chính quyền địa phương. Điều đó đã thể hiện vai trò đồng hành của các đại biểu trong việc xây dựng chính quyền gần dân, sát dân.
Còn tại hội nghị hôm qua, các ĐBQH đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tập trung vào việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ công. Lịch tiếp công dân định kỳ được thiết lập nhanh chóng với sự phân công thành phần cụ thể. Các ĐBQH được chia theo các tổ phù hợp với khu vực, địa phương, đảm bảo duy trì kênh kết nối thường xuyên, hiệu quả với người dân.
Công tác dân nguyện và truyền thông cũng được chú trọng, nhất là việc sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri và nắm bắt dư luận xã hội. Việc tăng cường giám sát chính quyền cấp xã, đặc biệt về các vấn đề liên quan mật thiết đến người dân như thủ tục đất đai, đăng ký kinh doanh, xử phạt vi phạm giao thông, quản lý xây dựng… cũng được quan tâm. Trong bối cảnh thẩm quyền của địa phương mở rộng, hội nghị đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền sau mỗi kết luận giám sát, đảm bảo kiến nghị của các ĐBQH được xử lý đến nơi, đến chốn.
Từ thực tiễn của TPHCM cho thấy, các ĐBQH ngày càng chủ động hơn trong đồng hành cùng chính quyền, lắng nghe doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ nút thắt, tạo điều kiện cho sự phát triển. Nhiều đại biểu thường xuyên xuất hiện tại các điểm nóng, các công trình trễ tiến độ…, thể hiện rõ vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tinh thần ấy không chỉ giới hạn ở TPHCM mà đang lan tỏa khắp cả nước, tạo nên một bức tranh sinh động về sự chuyển động của các cơ quan dân cử. Tất nhiên, từ sự chuyển động bước đầu này dẫn đến kết quả vẫn còn khoảng cách.
Nhưng những gì đang diễn ra thêm lần nữa khẳng định các cơ quan dân cử ngày càng phát huy vai trò giám sát, thúc đẩy xử lý kịp thời hơn các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của người dân. Sự “nhập cuộc” mạnh mẽ của cơ quan dân cử, chuyển động cùng cơ sở với những hành động thiết thực nhằm nâng cao vai trò giám sát để phục vụ nhân dân tốt hơn. Bởi khi tiếng nói của người dân được lắng nghe và chuyển tải đầy đủ, bộ máy chính quyền sẽ ngày càng hiệu lực, hiệu quả và gần dân, sát dân và vì nhân dân phục vụ.
KIỀU PHONG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/co-quan-dan-cu-chuyen-dong-cung-co-so-post803908.html
Bình luận (0)