Công việc của người nạp nguồn phóng xạ

0
58
Công việc của người nạp nguồn phóng xạ


TP HCMAnh Phan Phước Thắng (39 tuổi) từng 4 lần thực hiện nạp nguồn phóng xạ đến giờ vẫn chưa quên cảm giác run khi lần đầu làm công việc này.

Phước Thắng là người gắn bó tại Trung tâm nghiên cứu triển khai công nghệ bức xạ (Vinagamma) ở TP Thủ Đức, TP HCM từ năm 2008. Những người trẻ như Thắng hồi đó được ưu tiên thực hiện nạp nguồn ở khoảng cách 6 m với nguồn phóng xạ dưới đáy bể chứa nước. Với 6 m nước che chắn, nhân viên làm công việc này được đảm bảo phông môi trường gần tương tự như bên ngoài, liều chiếu phóng xạ lên cơ thể (suất liều bức xạ) nhận được thấp.

Thắng kể, trong đơn vị mọi người thường chia nhau. Những nhân viên lớn tuổi đã có gia đình thường đảm nhiệm công việc di chuyển Co-60 từ bên ngoài vào khu vực nạp nguồn. “Những chú bác đã có vợ và có con sẽ phụ trách vận chuyển nguồn”, anh Thắng nói và cho biết nhiều người quan niệm ở khoảng cách quá gần nguồn phóng xạ thì suất liều bức xạ nhận được càng cao, sẽ ảnh hưởng khả năng sinh sản.





Anh Phan Phước Thắng mang thiết bị đo liều phóng xạ khi làm việc ở cự ly gần máy chiếu xạ tại Vinagamma. Ảnh: Hà An

Anh Phan Phước Thắng mang thiết bị đo liều phóng xạ khi làm việc ở cự ly gần máy chiếu xạ tại Vinagamma. Ảnh: Hà An

Các nguồn khi di chuyển được đựng trong hộp container được bảo vệ nhiều lớp. Hộp này thể tích khoảng 1 m3, nặng 5 tấn, thường được vận chuyển bằng xe nâng đi theo đường zích zắc để vào được khu vực buồng chiếu xạ. Hộp container được cần cẩu nâng lên đặt vào khu vực bể chứa nước sâu 6 m và hạ xuống đáy.

Sau khi mở nắp bảo vệ, người phụ trách ở công đoạn này phải điều khiển các tay gắp dưới đáy bể gắp các thanh nguồn vào từng module nguồn của thiết bị.

Thắng chia sẻ, gắp nguồn sợ nhất là bị rơi khỏi bàn đặt dưới đáy bể. Nếu rơi, khi thao tác lại rất khó và mất nhiều thời gian. Do đó đòi hỏi nhân viên phải có đôi mắt tinh, với sự hỗ trợ kính lúp, đèn chiếu để thao tác. Người nạp nguồn phải vừa chính xác vừa nhanh, vì nếu ở khoảng cách gần càng lâu họ sẽ nhận liều bức xạ càng cao.

Tại đây, cứ 2 năm nhân viên phải nạp bổ sung nguồn phóng xạ Coban-60 (Co-60) một lần cho hệ thống máy chiếu xạ công nghiệp. Nguồn này phát ra tia gamma được sử dụng cho dịch vụ diệt vi sinh vật có hại trong thực phẩm, trái cây, trang thiết bị y tế…

Cứ hai năm, mỗi nhóm gồm 10 – 12 nhân viên kỹ thuật của Vinagamma thực hiện nạp nguồn phóng xạ tại buồng chiếu trong thời gian 2 – 3 ngày. Lý do, Co-60 là một đồng vị không bền có thể liên tục phân rã và phát ra tia gamma. Sau 5,25 năm, nguồn phóng xạ sẽ bị giảm một nửa do chu kỳ bán rã nên phải bổ sung để duy trì hoạt độ.

Do tiếp xúc gần với nguồn phóng xạ, những cán bộ ở đây sẽ phải nhận suất liều bức xạ trực tiếp lên cơ thể. Do vậy, mỗi khi thực hiện từng cán bộ sẽ phải mang thiết bị đo liều để biết cơ thể có đang trong ngưỡng nhận cho phép.

Để đảm bảo một người không bị nhận quá liều, các nhân viên ở Vinagamma không để một người làm công việc nạp nguồn phóng xạ thời gian lâu mà phải luân phiên. “Nhiều năm làm công việc này nhưng đến giờ tôi cảm thấy sức khỏe bình thường”, anh Thắng nói.





Đèn báo trạng thái hoạt động máy chiếu xạ và bangrg cảnh báo phóng xạ tại Vinagamma. Ảnh: Hà An

Đèn báo trạng thái hoạt động máy chiếu xạ và bảng cảnh báo phóng xạ tại Vinagamma. Ảnh: Hà An

Ông Nguyễn Thành Cương, Giám đốc Vinagamma cho biết, đơn vị hiện có 26 cán bộ kỹ thuật và 92 người lao động. Nhân viên vận hành thiết bị phải có chứng chỉ kiến thức về an toàn bức xạ. Theo quy định, trong hai năm họ phải đào tạo một lần và cấp lại chứng chỉ này. Cứ mỗi ba tháng, máy đo liều gắn trên người nhân viên phải được gửi đi kiểm tra liều bức xạ họ nhận được.

Về thiết kế nhà chiếu xạ, ông Cương cho biết phải được tính toán, mô phỏng các tường bê-tông đủ dày, có khả năng che chắn, để phông phóng xạ tường ngoài cùng sẽ gần như phông của môi trường. Khi máy chiếu xạ dừng hoạt động hay gặp bất cứ hỏng hóc nào, hoặc người ngoài xâm nhập, nguồn bức xạ sẽ được di chuyển xuống dưới bể nước để đảm bảo an toàn cùng nhiều lớp bảo vệ khác. “Nguyên tắc an toàn là yêu cầu đầu tiên”, ông Cương nói.

Số liệu của Cục An toàn bức xạ Hạt nhân cho thấy, hiện cả nước có hơn 600 cơ sở sử dụng, quản lý nguồn phóng xạ với tổng số 5.400 nguồn phóng xạ. Trong số này có 2.000 nguồn đang sử dụng và hơn 3.000 nguồn đang được lưu giữ tạm thời.

Hà An




Source link

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây