Ảnh minh họa: suckhoedoisong.vn

Không riêng hai trường hợp trên. Tháng 1 và tháng 5-2025, các đồng chí Dương Văn An (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Nguyễn Thị Kim Chi (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng lần lượt bị kỷ luật cảnh cáo vì sai phạm từ thời kỳ công tác trước đó, khi còn giữ các chức vụ tại tỉnh Bình Thuận và thị xã Cửa Lò (Nghệ An). Điều đáng nói, cả hai đều nhận nhiệm vụ mới chưa đến một năm.

Tại hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng được tổ chức ngày 24-6-2025, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải “thẩm định chặt chẽ công tác nhân sự, bảo đảm không để lọt vào cấp ủy cán bộ vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “khắc phục triệt để tình trạng cán bộ vừa bổ nhiệm, bầu cử thì đã bị xử lý kỷ luật”.

Nhìn lại những trường hợp cán bộ nêu trên, điểm chung dễ nhận thấy ở họ là đều có “lý lịch đẹp”, bằng cấp cao, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. Đồng chí Dương Văn An có học hàm Tiến sĩ Kinh tế học, từng là cán bộ đoàn, rồi dần trưởng thành qua nhiều cương vị lãnh đạo. Trong giai đoạn làm Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đồng chí được đánh giá là người “thẳng thắn đấu tranh”, từng có ý kiến khác với tập thể khi phát hiện sai phạm. Có lẽ chính vì thế, đồng chí được tin tưởng giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, rồi Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc-một địa phương cũng “nóng” về công tác cán bộ khi người tiền nhiệm bị bắt vì tham nhũng. Nhưng rồi chính những sai phạm xảy ra tại Bình Thuận khiến đồng chí bị kỷ luật.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi cũng từng được nhìn nhận là cán bộ có năng lực, bản lĩnh, trưởng thành từ cơ sở, xuất thân từ ngành giáo dục, từng là giáo viên giỏi tại một ngôi trường nổi tiếng của tỉnh Nghệ An, từng giữ chức Bí thư Thị ủy Cửa Lò. Các đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Trần Việt Trường cũng đều là những cán bộ được đánh giá tốt trước khi bị kỷ luật.

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng do quy trình còn thiếu sót? Hay do việc thực hiện quy trình còn hình thức, nặng về thủ tục mà thiếu sự kiểm chứng thực chất?

Quy trình đúng, nhưng chọn người... vẫn sai?

Thực tế, quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay được thực hiện với 5 bước chặt chẽ, từ rà soát, giới thiệu, thẩm định đến lấy ý kiến và quyết định. Nhưng như nhận định của đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Quy trình chỉ là quy trình, vấn đề là lựa chọn đầu vào để đưa vào quy trình ấy như thế nào”. Đồng chí ví von: “Muốn làm cây giò ngon phải qua nhiều bước: Giã, gói, luộc. Tuy nhiên, nếu thịt từ đầu đã ôi thì quy trình đến mấy cũng chỉ cho ra giò thiu”. Nghĩa là, không thể kỳ vọng đầu ra tốt nếu đầu vào là những cán bộ chưa thực sự trong sạch, chưa đánh giá đúng bản chất.

Ở đây, “quy trình đúng” nhưng cán bộ vẫn “sai” chính là lời cảnh báo đối với công tác cán bộ, nhất là trong đánh giá, xem xét cán bộ. Theo đó, vấn đề nằm ở chỗ một số tổ chức đảng đánh giá cán bộ nặng về cảm tính, theo hồ sơ “đẹp”, bỏ qua yếu tố thực chất; thậm chí có nơi lợi dụng quy trình để hợp thức hóa sự lựa chọn đã có sẵn, bất chấp cảnh báo từ dư luận.

Đừng để “lọt lưới” từ khâu đầu vào

Khi cán bộ vi phạm bị kỷ luật sau bổ nhiệm dù chỉ một vài trường hợp, không chỉ uy tín cá nhân bị tổn hại, mà tổ chức đảng cũng chịu ảnh hưởng lớn. 

Rõ ràng, muốn “chọn đúng người”, không thể chỉ dựa vào hồ sơ, thành tích hay sự tín nhiệm bề ngoài. Phải có cơ chế thẩm tra thực chất, kiểm chứng đạo đức, lối sống, quan hệ lợi ích, dấu hiệu suy thoái... một cách chủ động, khách quan, thường xuyên. Công tác cán bộ cần thoát khỏi quỹ đạo “cảm tính chính trị”, thay vào đó là “khoa học chính trị”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Người cho rằng, trong việc tuyển chọn cán bộ thì không được thiên tư, thiên vị, mà phải lựa chọn những người thật sự có đức, có tài.

Gốc mà không vững, thì ngọn sớm muộn cũng nghiêng. Việc cán bộ vừa “cất cánh” đã “rơi” là biểu hiện của sự mất cân đối giữa hình thức và thực chất; giữa quy trình đúng và con người chưa đúng. Bài toán này không thể chỉ giải ở bước cuối, là khi đã phát hiện ra sai phạm của cán bộ nên buộc phải xử lý, mà phải từ khâu đầu tiên: Đánh giá đúng con người.

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Nguồn: https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/dung-quy-trinh-du-tieu-chuan-vi-sao-bo-nhiem-van-sai-bai-1-can-bo-vua-cat-canh-da-roi-837241