Trong số những vụ cháy, hỏa hoạn liên quan đến hóa chất vừa gây khó khăn cho quá trình dập lửa, vừa ảnh hưởng tới sức khỏe của chính lực lượng tham gia PCCC.

Trưa ngày 24/7, tại kho cho thuê của Công ty TNHH MTV Long Xuân tại xã Mông Hóa (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã xảy ra cháy.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hòa Bình đã nhanh chóng điều động gần 100 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện tới hiện trường. Khi lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường, đám cháy đã nhấn chìm toàn bộ nhà kho và các cấu kiện tường, phần mái có nguy cơ sụp đổ.

z4546196225453 e10dd5edc2d9d29406b4aad8b637a9a2.jpg
Lực lượng Cảnh sát PCCC chữa cháy nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật

Sau gần 2 giờ tích cực chữa cháy, đám cháy cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do phần mái bị sụp đổ nên hàng hóa phía dưới vẫn cháy âm ỉ.

Điều đáng chú ý trong đám cháy, quá trình thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ, một số cảnh sát PCCC ngửi thấy mùi khó chịu. Lực lượng này cũng phát hiện nước chảy ra từ đám cháy có màu nâu, vàng, có bọt trắng, một số vỏ hộp hàng hóa có nhãn thuốc bảo vệ thực vật.

Ngay lập tức, chỉ huy đã cho đào các hố thu gom nước chảy ra từ đám cháy, huy động xe chở đất để lấp dòng chảy, không cho nước phát tán ra môi trường.

z4546197052945 9d1fd643487415dec2eec4f89949a47f.jpg
Vỏ thuốc bảo vệ thực vật được tìm thấy tại hiện trường vụ cháy

Theo lực lượng chức năng, quá trình chữa cháy đã khiến 4 cảnh sát PCCC bị đau đầu, khó thở, buồn nôn, nổi mẩn ngứa. Các chiến sĩ này đã được đưa vào bệnh viện để theo dõi sức khỏe.

Từ vụ cháy này, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã đưa ra những lưu ý đối với cán bộ chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại các đám cháy có liên quan tới hóa chất.

Theo đó, đối với hóa chất thuộc nhóm khí dễ cháy, cần thường xuyên phun nước làm mát thiết bị công nghệ và thiết bị chứa khí, tuyệt đối không sử dụng tia nước đặc để làm mát thiết bị. Trong quá trình làm mát bề mặt thiết bị công nghệ, cần thực hiện phun bao trùm lên bề mặt thiết bị đang cháy và các phần tiếp giáp của các thiết bị lân cận.

Đối với hóa chất thuộc nhóm khí gas độc hại, cán bộ chiến sĩ cần sử dụng trang phục, thiết bị bảo hộ đặc chủng để tránh hít phải khí độc. Đặc biệt lưu ý hướng gió để triển khai đội hình xử lý từ đầu hướng gió.

z4796927237984 34e364fcf2292c829e325a3f14f2ec94 copy.jpg
Khi chữa cháy liên quan đến hóa chất, lực lượng Cảnh sát PCCC được trang bị bảo hộ

Đối với các hóa chất thuộc nhóm chất lỏng dễ cháy như xăng dầu, tuyệt đối không sử dụng nước để dập lửa bởi đám cháy có thể lan ra rộng hơn. Thay vào đó, cần sử dụng bọt, cát, bột để dập tắt đám cháy.

Đối với hóa chất có thể gây cháy nổ khi gặp không khí, các cán bộ, chiến sĩ chữa cháy tuyệt đối không được sử dụng nước để phun vào đám cháy. Thay vào đó, nước chỉ được phép sử dụng để làm mát, ngăn cháy lan. Với đám cháy dạng này, cần sử dụng bọt bội số nở cao, nở trung bình hoặc bột, cát để dập tắt.

Đối với hóa chất có thể ăn mòn, lực lượng chữa cháy cần yêu cầu chủ cơ sở cung cấp đầy đủ thông tin về những loại hóa chất ở bên trong khu vực cháy. Lực lượng chữa cháy cũng cần chuẩn bị các thiết bị an toàn, sử dụng trang phục chống hóa chất ăn mòn để tránh nguy cơ có thể có tiếp xúc với hóa chất.

dien tap 07.jpg
Lực lượng Cảnh sát PCCC thường xuyên tổ chức diễn tập tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất

Ngoài ra, cũng phải triển khai các phương án để hạn chế, loại trừ khả năng hóa chất tiếp xúc với các phương tiện cứu hộ.

Việc thực hiện chữa cháy cần tính tới việc lựa chọn các phương án chữa cháy phù hợp với đặc tính của hóa chất trong khu vực, không sử dụng nước vì nguy cơ bắn hóa chất ăn mòn ra xung quanh, gây nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy.

Khi công tác chữa cháy hoàn tất, cần tẩy rửa trang thiết bị, phương tiện kỹ lưỡng.