Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình biến rơm thành giấy của nhóm nữ sinh trường chuyên

ĐNO - Từ những bó rơm khô nằm lặng lẽ sau mùa gặt, ba nữ sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Đà Nẵng) đã biến thành sản phẩm giấy sinh học thân thiện môi trường, góp phần lan tỏa thông điệp "sống xanh" đến cộng đồng thông qua dự án "Rơm rã Eco - Bao bì sinh học".

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng18/07/2025

2(3).jpg
Các bạn trong nhóm sản xuất giấy từ rơm của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: PHAN VINH

Đam mê nghiên cứu

Khởi nguồn từ mối quan tâm đến rác thải nhựa và túi ni lông dùng một lần, hai nữ sinh Lê Thanh Ngân (lớp chuyên Tin) và Phạm An Nhiên (chuyên Lý) của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nảy ra ý tưởng chế tạo giấy sinh học từ rơm, một nguyên liệu chứa hàm lượng cellulose cao, rất thích hợp để làm giấy.

Cả hai dành nhiều thời gian đọc tài liệu trên Internet, tra cứu về tính chất nguyên vật liệu, quy trình xử lý và tìm kiếm các giải pháp có thể ứng dụng tại quy mô phòng thí nghiệm của trường học.

3(3).jpg
Các học sinh thực hiện quá trình nghiền nhuyễn rơm để tách thành phần cellulose. Ảnh: PHAN VINH

Em Phạm An Nhiên chia sẻ: "Ban đầu, tụi em thử tìm hiểu các nguyên liệu như bã mía, thân cây ngô, nhưng nhận thấy các nguyên liệu này đang là nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Trong khi đó, rơm chưa được khai thác công năng nhiều mà vẫn chứa lượng cellulose cao giúp tạo liên kết giữa các phân tử để hình thành cấu trúc giấy. Từ đó, tụi em quyết định thử nghiệm làm giấy với rơm".

Để hoàn thiện nghiên cứu, hai bạn mời thêm Trần Nhã Linh (học sinh lớp chuyên Sinh) đang là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Môi trường của trường cùng tham gia. Với nền tảng sinh học vững vàng, Nhã Linh góp phần không nhỏ trong quá trình phân tích, cải tiến quy trình sản xuất giấy từ rơm sao cho đạt được độ kết dính, độ mịn và tính ứng dụng cao.

1(4).jpg
Các bạn trong nhóm đã thử nghiệm rất nhiều lần để cho ra sản phẩm đạt chất lượng mong muốn. Ảnh: PHAN VINH

“Chúng em phải thu gom rơm khô từ đồng ruộng về làm mềm rồi tiến hành nghiền nhuyễn để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Sau đó, trộn với nước, cho vào khuôn để định hình theo từng loại giấy. Chất kết dính hoàn toàn dựa vào cellulose tự nhiên có trong rơm. Sản phẩm tạo ra có thể dùng làm túi, bì thư, bìa đựng hồ sơ, thiệp chúc mừng và còn có thể trang trí thủ công để tăng tính cá nhân hóa” - Nhã Linh chia sẻ.

Ngoài chú trọng quy trình xử lý nguyên liệu, nhóm còn sáng tạo slogan “Rơm rã lan niềm vui - Rơm rạ lan lối sống xanh” như một lời nhắn nhủ với mọi người về lối sống thân thiện với môi trường.

[VIDEO] - Nhóm nghiên cứu chia sẻ về quá trình hình thành ý tưởng biến rơm thành giấy:

Toàn bộ quy trình nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm được các em triển khai trong khoảng 3 tháng, từ cuối tháng 7 đến tháng 10/2024 với hàng trăm lần thử nghiệm. Sản phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp học sinh trung học do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam (cũ) tổ chức năm 2024. Năm 2025, các bạn tiếp tục giành được giải Khuyến khích tại cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng.

Lan tỏa thông điệp sống xanh

Sản phẩm giấy từ rơm không chỉ là kết quả của một dự án học sinh mà còn được đánh giá có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Theo nhóm nghiên cứu, với khuôn khổ hiện tại, mỗi chiếc túi có kích thước 20x10cm có giá bán khoảng 15 nghìn đồng, cao hơn thị trường từ 2-5 nghìn đồng so với các sản phẩm làm từ giấy công nghiệp.

Tuy nhiên, nếu được sản xuất hàng loạt bằng thiết bị công nghiệp, giá thành có thể giảm một nửa. Với tỷ lệ sản xuất 1 tấn rơm thu được 400kg giấy thành phẩm, khả năng mở rộng sản xuất là hoàn toàn khả thi nếu tìm được nhà đầu tư đồng hành.

4(3).jpg
Sản phẩm giấy làm từ rơm có thể chế tạo thành túi xách, thiệp, phong bì... thân thiện môi trường. Ảnh: PHAN VINH

Hiện nay, nhóm đang tính toán khả năng mở rộng sản phẩm sang các dòng giấy in sinh học hoặc vật liệu đóng gói, kết hợp thêm với các lớp phủ chống thấm để tăng độ bền.

Một trong những điểm đáng chú ý là các sản phẩm giấy này có thể dễ dàng cá nhân hóa, phù hợp với nhu cầu làm quà tặng, đồ lưu niệm, văn phòng phẩm mang tính thủ công cao.

Các dự án khởi nghiệp được vào vòng chung kết năm nay có nhiều thế hệ học sinh - sinh viên. Ảnh: PHAN VINH
Các bạn tham gia cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp xứ Quảng năm 2025. Ảnh: PHAN VINH

Lê Thanh Ngân cho biết: "Hiện tại tụi em vẫn đang là học sinh, nên việc đầu tư, sản xuất quy mô lớn thì chưa đủ năng lực. Nhưng tụi em luôn hy vọng tìm được doanh nghiệp hoặc đơn vị đồng hành để thương mại hóa sản phẩm này. Quan trọng nhất vẫn là lan tỏa thông điệp môi trường đang bị tổn thương nặng nề vì rác thải nhựa và chúng ta cần có giải pháp thay thế từ thiên nhiên".

Tiến sĩ Lê Thị Lành - Giáo viên Hóa học Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, khi được nhà trường phân công hướng dẫn các em, cô nhận thấy sản phẩm đã được định hình nhưng vẫn cần cải tiến nhiều mặt về tính chất hóa học và khả năng ứng dụng. Cô đã hướng dẫn điều chỉnh lại tỷ lệ dung môi, nguyên liệu cho hợp lý hơn, giúp tăng độ bền giấy, cải thiện khả năng chống thấm bằng cách bổ sung màn chitosan điều chế từ vỏ tôm.

[VIDEO] - Tiến sĩ Lê Thị Lành chia sẻ về dự án biến rơm thành giấy của nhóm học sinh:

Các em rất chủ động, tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu trên internet và làm thử nghiệm, tuy nhiên nguyên lý hóa học cần được tối ưu bằng điều kiện thực tế của phòng thí nghiệm. Kết quả cuối cùng là sản phẩm giấy có độ mịn tốt hơn, màu sắc đẹp hơn và thời gian sản xuất được rút ngắn đáng kể"

Tiến sĩ Lê Thị Lành

Nguồn: https://baodanang.vn/hanh-trinh-bien-rom-thanh-giay-cua-nhom-nu-sinh-truong-chuyen-3297160.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm