Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’

(Chinhphu.vn) - Trường Sa - biểu tượng của chủ quyền biển đảo Tổ quốc, là nơi nuôi dưỡng lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tình yêu quê hương trong trái tim mỗi người Việt Nam. Chuyến thăm Trường Sa không đơn thuần là một hành trình vượt sóng gió, mà còn là cuộc “hành hương” của tinh thần, của cảm xúc và lòng tự hào dân tộc.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ26/05/2025

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 1.

Đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ tại cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Trong những ngày tháng 5, đoàn công tác của Văn phòng Chính phủ gồm 27 cán bộ do đồng chí Nguyễn Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Nội chính làm trưởng đoàn, đã ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Cùng tham gia hành trình còn có khoảng 190 đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Lào Cai và một số tổ chức khác.

Đây không chỉ là chuyến công tác, mà còn là hành trình của trái tim, của sự biết ơn và niềm tin sắt son vào những người đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của đất nước.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 2.

Tàu rời bến, bắt đầu hải trình đi Trường Sa - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Mang theo tình cảm từ đất liền

Sáng ngày 20/5, khi mặt trời vừa ló rạng, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-491 do Đại tá Lê Văn Hưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân làm trưởng đoàn công tác số 24 rời cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), bắt đầu hải trình kéo dài 7 ngày đến với Trường Sa.

Biển tháng 5 trong xanh, yên ả, lấp lánh ánh nắng vàng. Sóng mơn man vỗ vào mạn tàu, tạo nên thanh âm rì rào nhẹ nhàng giữa không gian mênh mông trời nước. Nhưng đằng sau vẻ đẹp ấy, là biết bao thử thách. "Chỉ người lính đảo mới hiểu, biển có thể đổi thay bất cứ lúc nào. Vì vậy, dù quen với biển, chúng tôi luôn nhắc nhau: không bao giờ được chủ quan", một chiến sĩ hải quân chia sẻ.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 3.

Tàu KN-491 có chiều dài trên 90,5m, rộng 40m; là một trong những tàu kiểm ngư hiện đại nhất của Hải quân Nhân dân Việt Nam - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Trên tàu, không khí ban đầu có phần náo nức, háo hức. Những câu chuyện về biển đảo, về các chiến sĩ hải quân, về những người con đang ngày đêm gìn giữ biển trời Tổ quốc được kể lại đầy cảm xúc.

Dù nhiều người lần đầu ra biển, chịu cảnh say sóng và mệt mỏi, nhưng không ai than vãn. Bởi trong lòng mỗi người đều trào dâng một cảm xúc đặc biệt: Niềm vinh dự thiêng liêng khi sắp đặt chân đến Trường Sa thân yêu.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 4.

Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây chào đón đoàn công tác lên thăm đảo - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Đặt chân lên các đảo, cảm xúc trào dâng

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác là đảo Song Tử Tây – một trong những hòn đảo lớn và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên Biển Đông.

Ngay khi tàu cập bến, hàng dài chiến sĩ hải quân trong quân phục chỉnh tề đã trang nghiêm đón chào đoàn công tác. Những cái bắt tay siết chặt, những ánh mắt rạng rỡ chan chứa tình quân - dân, tạo nên một khung cảnh xúc động.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 5.

Chùa Song Tử Tây hướng ra Biển Đông bốn bề sóng nước. Trong khuôn viên chùa ngoài dáng cây đa, cây bồ đề mang cốt cách chùa Việt, còn có thêm bóng mát cây phong ba chắn gió, cây bàng vuông xòe tán che chở - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Hiện nay, trên đảo Song Tử Tây có đầy đủ các công trình quan trọng như: Trạm khí tượng thủy văn, hải đăng, chùa Song Tử Tây, trường học, trạm xá, tháp viễn thông..., không chỉ phục vụ đời sống mà còn thể hiện rõ nét chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên vùng biển thiêng liêng này.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 6.

Những hàng cây bàng vuông phủ lớp áo xanh mát lên đảo - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Với diện tích khoảng 12 ha, đảo được phủ xanh bởi những hàng phi lao và cây bàng vuông – biểu tượng cho sức sống mãnh liệt và ý chí kiên cường của quân dân nơi đây. Song Tử Tây không chỉ là "phên dậu" vững chắc của Tổ quốc, mà còn là điểm tựa vững vàng cho ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt thủy sản. Cuộc sống trên đảo ngày càng được cải thiện, khẳng định mạnh mẽ sự hiện diện hòa bình, phát triển bền vững của Việt Nam trên biển đảo quê hương. Song Tử Tây mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, tinh thần bảo vệ chủ quyền và ý chí quật cường giữa trùng khơi Tổ quốc.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 7.

Lễ chào cờ được tổ chức trang trọng tại đảo Song Tử Tây - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Rời Song Tử Tây, đoàn công tác tiếp tục hành trình đến đảo Trường Sa Lớn – nơi được ví như "Thủ đô" của quần đảo Trường Sa. Đứng trước cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên đảo, không gian như chùng xuống, mọi âm thanh lắng lại, nhường chỗ cho xúc cảm tự hào hòa quyện với niềm xúc động trào dâng.

Một thành viên trong đoàn xúc động chia sẻ: "Tôi đã từng nghe kể rất nhiều về Trường Sa, nhưng chỉ đến hôm nay, khi được đứng trên hòn đảo này, tôi mới thật sự thấm thía hết ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng - Trường Sa."

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 8.

Cột mốc chủ quyền - biểu tượng thiêng liêng trên quần đảo Trường Sa - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Khúc tráng ca bất diệt

Một trong những khoảnh khắc thiêng liêng và xúc động nhất trong hành trình công tác là Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Khi con tàu dừng lại giữa trùng khơi mênh mông tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma, cả đoàn công tác cùng nhau lặng im, nghiêm trang đứng trên boong tàu. Trong không gian linh thiêng ấy, từng nén hương được thắp lên bằng tất cả lòng thành kính, vòng hoa tưởng niệm được thả trôi theo sóng biển, mang theo tình cảm tri ân vô hạn gửi đến những người con đã ngã xuống giữa biển khơi.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 9.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Tiếng kèn tưởng niệm vang lên chậm rãi, từng nốt nhạc réo rắt như xoáy sâu vào lòng người, gợi nhắc về sự hy sinh của các chiến sĩ hải quân năm xưa. "Năm 1988, 64 cán bộ chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng, mãi mãi nằm lại nơi này. Đây là 64 bông hoa bất tử giữa biển trời sóng nước Trường Sa thân yêu" - lời phát biểu đầy xúc động của Đại tá Lê Văn Hưởng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, như một lời khắc ghi vào trái tim mỗi người có mặt. 

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 10.

Nghi thức thả vòng hoa tưởng niệm xuống biển, tri ân các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Trường Sa - không chỉ là tên của một quần đảo, mà là biểu tượng cho ý chí và tinh thần Việt Nam. Là nơi đất liền gửi gắm bao tấm lòng, bao khát vọng. Là nơi "mỗi hòn đảo là một pháo đài bất tử", nơi "đảo đá hóa biên cương".

Khép lại hành trình – mở ra niềm tin mới

Trong 7 ngày đêm trên biển với tổng hải trình gần 1000 hải lý, đoàn công tác còn thăm và làm việc tại nhà giàn DK1/16 (Phúc Tần) và các đảo: Len Đao, Đá Thị, Sinh Tồn, Đá Tây B, Cô Lin. Đây là hoạt động thường niên, nhằm kiểm tra, động viên, chia sẻ, cũng là dịp để thấu hiểu hơn những khó khăn, gian khổ của các chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 11.

Đồng chí Nguyễn Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Nội chính và đồng chí Lê Thanh Vân, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, trao tặng quà của đoàn Văn phòng Chính phủ đến cán bộ, chiến sĩ trên đảo Len Đao - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Tại các điểm đến, đoàn công tác Văn phòng Chính phủ đã mang theo nhiều phần quà ý nghĩa với tổng giá trị khoảng 900 triệu đồng cùng những lời thăm hỏi ân cần gửi tới các chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió.

Hành trình về nơi ‘đảo đá hóa biên cương’- Ảnh 12.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng thành viên đoàn công tác tặng quà các hộ dân sống trên đảo Trường Sa - Ảnh: VGP/Sơn Hào

Ngày chia tay Trường Sa, trời đổ mưa nhẹ. Những cái ôm vội vã, ánh mắt bịn rịn, cái vẫy tay từ cả hai phía như níu kéo cảm xúc. Trên tàu trở về đất liền, không khí lắng lại. Mỗi người mang trong tim những kỷ niệm không thể phai mờ.

Chuyến đi không chỉ để lại những hình ảnh đẹp, những câu chuyện cảm động, mà còn là lời nhắn nhủ âm thầm: hãy thể hiện tình yêu biển đảo bằng hành động thiết thực - từ những việc nhỏ nhất. Hãy là sứ giả mang Trường Sa về với đất liền, để mỗi người dân Việt Nam, dù ở nơi đâu, cũng luôn hướng về phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Trường Sa - biểu tượng bất diệt giữa trùng khơi vẫn ngày ngày lặng lẽ, vững vàng như một bản hùng ca không lời về lòng quả cảm và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam.

Sơn Hào


Nguồn: https://baochinhphu.vn/hanh-trinh-ve-noi-dao-da-hoa-bien-cuong-102250526084307018.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm