Theo số liệu mà Ủy viên phụ trách nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế xanh và môi trường bền vững của Liên minh châu Phi (AU) Josefa Sacko đưa ra ngày 27-5, hiện có gần 300 triệu người ở châu Phi, tương đương hơn 20% dân số của châu lục này, đang bị suy dinh dưỡng. Bà Sacko cho biết, các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt hay cháy rừng có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn, khiến tình hình mất an ninh lương thực châu Phi ngày càng xấu đi.

 Những người Somalia đến trú ngụ tại một trại tị nạn ở Kenya. Ảnh: Bloomberg

Tuần trước, Ủy ban Kinh tế châu Phi thuộc Liên hợp quốc (ECA) thậm chí còn công bố con số đáng báo động hơn, đó là có tới 546 triệu người châu Phi đang sống trong nghèo đói, tăng 74% kể từ năm 1990, và 10 quốc gia thuộc châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng nghèo khổ đáng báo động.

Thống kê cho thấy có khoảng 60% đến 82% dân số của các quốc gia được coi là nghèo nhất châu Phi, điển hình như: Somalia, Madagascar, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Malawi, Cộng hòa dân chủ Congo… sống dưới mức nghèo khổ. Những người nghèo ở châu Phi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc khủng hoảng diễn ra trên toàn cầu, bằng chứng là lạm phát ở lục địa đen đã tăng lên mức 12,3% trong năm 2022.

Cùng với đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc () mới đây cảnh báo hơn 7 triệu trẻ em ở vùng Sừng châu Phi tiếp tục bị suy dinh dưỡng và cần được hỗ trợ dinh dưỡng khẩn cấp, trong đó có 1,9 triệu trẻ đứng trước nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng nặng. Nạn đói và suy dinh dưỡng đã khiến hàng triệu trẻ em và gia đình ở châu Phi phải rời bỏ nhà cửa để tới những vùng đất mới tìm kiếm thức ăn và nước uống trong vòng 3 năm qua. Số trẻ suy dinh dưỡng nặng phải đến các cơ sở y tế để điều trị được dự báo sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới. 

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các quốc gia thuộc khu vực này vừa phải gánh chịu đợt hạn hán kỷ lục. Mặc dù Liên hợp quốc đã kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp khoảng 7 tỷ USD để cung cấp nhu yếu phẩm và phục vụ nhu cầu y tế cho người dân các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi nhưng tại một hội nghị diễn ra cách đây ít ngày, số tiền viện trợ thu về chỉ đạt 2,4 tỷ USD.

Theo bà Sacko, phát triển nông nghiệp là một lĩnh vực có tiềm năng lớn ở châu Phi. Bởi, một báo cáo được công bố hồi tháng trước cho thấy, tại khu vực này có tới 60% đất nông nghiệp chưa được canh tác, cùng với đó là nguồn nhân lực lớn do dân số chủ yếu là những người trẻ tuổi. Nếu có hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp, châu Phi hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề mất an ninh lương thực và thậm chí có thể xuất khẩu lương thực ra toàn thế giới.

Tương tự, Ban thư ký của Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) cho biết, mặc dù có tiềm năng lớn về sản xuất lương thực song đến nay, các quốc gia ở khu vực này vẫn phải nhập khẩu lương thực, trong đó ngũ cốc và thịt là những mặt hàng có nhu cầu rất lớn.

Tổng thư ký AfCFTA Wamkele Mene cho rằng châu Phi cần tăng cường sử dụng đất canh tác dồi dào để có thể tự cung, tự cấp về lương thực. Dự kiến thời gian tới, AfCFTA sẽ ưu tiên thúc đẩy thương mại nông nghiệp nội khối nhằm “giải phóng tiềm năng nông nghiệp” và bảo đảm an ninh lương thực cho châu Phi.

ANH VŨ