Công tác bảo vệ nguồn nước mặt luôn được tỉnh quan tâm
Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì thực hiện nhiệm vụ lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt. Đây là cơ sở quan trọng để theo dõi, đánh giá và cảnh báo kịp thời các diễn biến bất thường về chất lượng nước. Thông qua hệ thống quan trắc, dữ liệu thu thập được sẽ phục vụ công tác quản lý, cảnh báo và điều chỉnh chính sách bảo vệ nguồn nước.
Theo thống kê, chỉ riêng khu vực tỉnh Long An cũ (hiện nay là tỉnh Tây Ninh), từ năm 2022 đến nay, chương trình quan trắc chất lượng môi trường nước mặt được triển khai định kỳ, mỗi năm từ 6-8 đợt, tại 68 vị trí trải rộng trên 7 tuyến sông, kênh, rạch lớn gồm: sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Bảo Định, sông Vàm Cỏ, sông Cần Giuộc, kênh Thầy Cai và các tuyến kênh chính khác. Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước tại một số tuyến sông như Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây khá ổn định, chỉ bị ô nhiễm nhẹ do chất hữu cơ và chất dinh dưỡng.
Tuy nhiên, tại các địa bàn có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, nhiều tuyến kênh như T1, Thầy Cai, An Hạ, sông Bến Lức,... đang chịu áp lực ô nhiễm lớn. Nước thải từ sản xuất công nghiệp, sinh hoạt dân cư và đô thị chưa được xử lý triệt để làm gia tăng nồng độ chất hữu cơ, chất dinh dưỡng vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe người dân.
Trước thực trạng trên, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi xả thải trái phép, nhất là tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao.
Theo ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, lắp đặt và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý nước thải.
Riêng tại 3 cụm công nghiệp: Đức Hòa Đông chỉnh trang, Đức Hòa Hạ chỉnh trang và Hoàng Gia, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khẩn trương hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung và đưa vào vận hành sớm nhất. Đây là một trong những giải pháp then chốt nhằm giảm ô nhiễm cho các tuyến kênh tiếp nhận nguồn xả thải.
Song song với công tác xử lý vi phạm, việc nạo vét, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh, rạch cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Những khu vực bị bồi lắng nghiêm trọng như kênh Ranh, T1, T5, T6, T7, 1000,… được ưu tiên bố trí vốn để nạo vét, bảo đảm dòng chảy thông thoáng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt và điều hòa thủy lợi.
Lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước, qua đó đánh giá và xác định nguồn gây ô nhiễm
Một trong những hướng đi hiệu quả trong quản lý môi trường nước mặt của tỉnh là đẩy mạnh công tác quan trắc, dự báo và cảnh báo chất lượng nước. Theo kết quả từ các đợt quan trắc giai đoạn 2021-2024, tại nhiều vị trí như kênh Thầy Cai, An Hạ, T1, Ranh và 1000, các thông số ô nhiễm như BOD5, COD (chất hữu cơ), Amoni, Phosphat (chất dinh dưỡng) đều vượt quy chuẩn QCVN 08:2023/BTNMT - mức A2 từ 2-6 lần. Dù chưa vượt ngưỡng gây nguy hiểm nghiêm trọng nhưng nếu kéo dài sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng thiết lập hệ thống cảnh báo tại những khu vực có nguy cơ cao, hạn chế sử dụng nước mặt trực tiếp khi nồng độ ô nhiễm vượt mức. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cũng được thực hiện thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đoàn thể và hệ thống chính quyền cơ sở.
Chính quyền địa phương khuyến khích người dân tham gia giám sát hoạt động xả thải, phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm đến cơ quan chức năng. Việc phát huy vai trò cộng đồng không chỉ giúp phát hiện sớm vi phạm mà còn góp phần hình thành thói quen sống thân thiện với môi trường trong xã hội.
Bảo vệ nguồn nước mặt đang được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững. Không chỉ siết chặt quản lý, tỉnh còn đặt mục tiêu cao hơn: Xây dựng các khu, cụm công nghiệp xanh - sạch - an toàn.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân, tỉnh đang từng bước kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà còn là hành trình dài hơi hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường - nền tảng quan trọng cho tương lai xanh, bền vững của tỉnh trong những năm tới./.
Lam Hồng
Nguồn: https://baolongan.vn/ngan-chan-o-nhiem-nguon-nuoc-song-rach-a198906.html
Bình luận (0)