Tôi còn nhớ nhà “Tây Nguyên học” người Pháp Jacques Dournes đã từng cảm khái về “Miền đất huyền ảo” ấy với câu nói kinh điển rằng: “Nếu phải hiểu để có thể yêu Tây Nguyên thì phải yêu để có thể hiểu về Tây Nguyên”. Câu nói ấy đã trở thành tâm thế sống cho những ai dành trọn tình cảm của mình đối với vùng đất này. Những nhà nghiên cứu khoa học, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước khi đến Tây Nguyên đều bị “Miền đất huyền ảo” ấy mê hoặc. Cũng từ đây, họ đã “ăn nằm” và tri ân Tây Nguyên bằng những công trình nghiên cứu, sưu tầm và khảo tả tâm huyết nhằm giới thiệu vùng đất này đến với thế giới rộng lớn trên các mặt lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu đậm.
Công sứ Sabatier đến Đắk Lắk nhậm trị (vào những năm 1913 - 1926) đã mê đắm trong những đêm kể khan/sử thi của người Êđê bản địa; để rồi tự thân tìm hiểu, sưu tầm và xuất bản pho sử thi đồ sộ mang tên Đam San vào năm 1927 khiến cả thế giới ngỡ ngàng trước vốn văn hóa độc đáo, giàu bản sắc của vùng đất được ít người biết tới.
Tiếp đó, vào những năm 40 của thế kỷ trước, nhà dân tộc học Georges Condominas đã từ bỏ đời sống văn minh, hiện đại của nước Pháp để đến làng Sar Luk (thuộc xã Krông Nô, huyện Lắk ngày nay) sống gần gũi, chan hòa với người M’nông Gar suốt cả tuổi thanh xuân của mình.
Ở đây, Condominas là người đầu tiên cùng người dân làng Ndut Liêng Krak phát hiện và công bố bộ đàn đá có tuổi đời gần 3.000 năm trước, làm rúng động giới nghiên cứu dân tộc học, khảo cổ học và âm nhạc học ở phương Tây. Hơn thế, cũng từ ngôi làng nhỏ bé và heo hút ấy, nhà dân tộc học trứ danh này còn tìm hiểu, khảo cứu và xuất bản nhiều tác phẩm/công trình khoa học nổi tiếng, trong đó tiêu biểu nhất là tác phẩm “Chúng tôi ăn rừng” được xuất bản vào năm 1957.
Nói như cố Giáo sư Từ Chi: Từ đây, Condominas đã đưa cuộc sống đầy sắc màu của người M’nông Gar ở làng Sar Luk xa xôi ấy đến với bạn bè khắp năm châu.
Đêm Tây Nguyên huyền ảo. Ảnh: Hữu Hùng |
Cánh cửa giao lưu, hội nhập giữa Tây Nguyên với thế giới bên ngoài tiếp tục được rộng mở nhờ sự nỗ lực và tâm huyết của giới nghiên cứu khoa học trong nước cũng như quốc tế từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay. Tây Nguyên được mọi người quan tâm và biết đến nhiều hơn, đầy đủ hơn thông qua nhiều công trình của các “nhà folklore” tiêu biểu như cố Giáo sư Từ Chi, Nguyễn Đổng Chi, Tô Ngọc Thanh, Ngô Đức Thịnh…Họ đến với vùng đất này cũng với tâm thế như nhà “Tây Nguyên học” Jacques Dournes ngày trước với sứ mệnh mới: vinh danh Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ kho tàng sử thi đồ sộ, đặc sắc của các tộc người ở đây. Những thành quả/di sản ấy đã góp phần định vị và thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Tây Nguyên ngày càng phát triển bền vững hơn.
Với tôi, còn rất nhiều người khác nữa - bằng cách nào đó đang âm thầm khai mở mạch nguồn lịch sử, văn hóa Tây Nguyên tiếp tục tuôn trào và lan tỏa mạnh mẽ trước đời sống đương đại. Nhớ có lần Nghệ sĩ Nhân dân Y San Alêo (nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk) từng chia sẻ: “Vùng đất này luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho những ai đến đây tìm hiểu và khám phá”.
Bên cạnh cố nhạc sĩ Y Sơn Niê, thì những nghệ sĩ, nghệ nhân hiện thời như: Vũ Lân, Trương Ân, Nguyễn Đức, Nguyễn Trường đã không ngừng kế thừa, cách điệu và sáng tạo thêm để các loại nhạc cụ tre nứa mộc mạc kia sống lại, thăng hoa hơn trong đời sống văn hóa, nghệ thuật hiện nay. Đó là cây sáo vỗ, là ching kram cộng hưởng, ching gió đeo, đàn b’rôh khuếch âm điện tử… được bàn tay, khối óc của những con người yêu mến và say mê văn hóa Tây Nguyên nói trên chế tác nên đã góp phần mở ra không gian, biên độ cảm nhận và thưởng thức nghệ thuật âm nhạc dân gian ở đây trở nên linh hoạt, sống động hơn.
Nhìn lại dòng chảy lịch sử, văn hóa và nhân văn trên “Miền đất huyền ảo” ấy, tôi đã thấy và tin rằng những ai đến đây “yêu để hiểu - hiểu để yêu” Tây Nguyên hơn chính là thái độ, tình cảm, trách nhiệm rất thật của mọi người, mọi thế hệ - dù ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào một khi đã chọn sống và gắn bó với vùng đất giàu bản sắc này.
Nguồn: https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202505/nhung-nguoi-da-hieu-va-yeu-tay-nguyen-e8a0686/
Bình luận (0)