Tăng cường giải quyết quyền, lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn

#image_title
(ĐCSVN) – Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị trong công tác thực hiện Quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần thực hiện tốt “1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm, 5 đẩy mạnh..”
 

Ngày 26/5 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang cho biết, năm 2023, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai công tác phối hợp, bảo đảm hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp, các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và yêu cầu thực tiễn.

Quang cảnh Hội nghị 

Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thiết thực, tập trung nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về an sinh, phúc lợi xã hội cho người lao động, nâng cao đời sống của người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động, đồng bộ hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí…

Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động trong xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, như: Ban Cán sự đảng Chính phủ đã có văn bản tham gia ý kiến về tổ chức Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII gửi Văn phòng Trung ương Đảng; Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhiều dự án Luật quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động như về nhà ở, đất đai, bảo hiểm xã hội, khám chữa bệnh…

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động theo Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/1/2023 của Chính phủ. Tổng Liên đoàn đã ban hành thực hiện chính sách hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng…

Về kiến nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động công đoàn khi xây dựng các chủ trương, chính sách pháp luật. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp người lao động được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ qua 40 năm đổi mới đất nước.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp chậm hoặc không trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và người lao động; khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích người lao động của chính quyền một số địa phương. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc thành lập và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi người lao động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự sau khi nghị định được ban hành.

Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…; giao Bộ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: “… Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế – xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp”, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần); tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá hai bên đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp công tác, cả những công việc thường xuyên và nhiệm vụ đột xuất, phát sinh.

Các nội dung phối hợp được triển khai chặt chẽ, toàn diện, hiệu quả, thiết thực, đi vào những nội dung cụ thể để giải quyết các vấn đề về nhà ở cho người lao động, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao, các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và sức khỏe người lao động theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Theo Thủ tướng, năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Cơ bản thống nhất với báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung gồm 1 nhiệm vụ trung tâm, 3 quan tâm, 5 đẩy mạnh.

Trong đó, nhiệm vụ trung tâm là nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên.

3 quan tâm gồm: quan tâm hơn nữa đến việc lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giai cấp công nhân thông qua khảo sát, đối thoại, tiếp xúc cử tri…; phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền, doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ, giải quyết; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; chăm lo các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đặc biệt quan tâm vấn đề nhà ở cho người lao động; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động theo Hiến pháp, pháp luật và theo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tổ chức thực hiện không đúng; lợi dụng chính sách để chống phá.

Về 5 đẩy mạnh, Thủ tướng chỉ rõ,  cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về lao động và tạo thuận lợi cho người lao động, công đoàn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua; đẩy mạnh xây dựng và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới; đẩy mạnh thực hiện tốt vai trò của Công đoàn là cầu nối quan trọng của Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Lưu ý một số nội dung về quản lý tài sản, tài chính công đoàn, Thủ tướng đề nghị cần quản lý tài chính chặt chẽ, khai thác tài sản hiệu quả theo quy định, thông qua đẩy mạnh hợp tác công tư, tạo điều kiện để công đoàn viên được hưởng dịch vụ tốt theo cơ chế thị trường.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến về 12 đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan xem xét, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn./.

Cổng TTĐT Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn: https://dangcongsan.org.vn/noidung/tintuc/Lists/Tinhoatdong/View_Detail.aspx?ItemID=3004