
Nhiều kỳ vọng, lắm dang dở
Ngay sau thời điểm tái lập tỉnh Quảng Nam (năm 1997), quy hoạch đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc cũng ra đời (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1999 và triển khai năm 2003), mang theo kỳ vọng rất lớn về một vùng đô thị mới với vị trí khá đắc địa.
Là trung điểm của thành phố Đà Nẵng (cũ) và thành phố Hội An (cũ), đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được định hướng hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, du lịch và nghỉ mát của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Sau hơn 25 năm, 3 xã vùng cát hoang hóa ngày nào của huyện Điện Bàn cũ (nay là phường Điện Bàn Đông) đã khoác lên tấm áo phố thị. Dù vậy, do không có sự điều phối bài bản đã khiến “bức tranh” đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc không như kỳ vọng.
Theo thống kê của UBND thị xã Điện Bàn (cũ) trước thời điểm xóa bỏ mô hình chính quyền địa phương cấp huyện, chỉ riêng tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, đã có hơn 70 dự án đầu tư xây dựng nhà ở và dự án khu dân cư, khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển đang triển khai, rất nhiều trong số đó bị bỏ ngỏ dang dở trong nhiều năm.
Có những dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cách đây cả chục năm nhưng vẫn án binh bất động, dẫn đến nguồn lực đất đai bị lãng phí. Quy hoạch treo lơ lửng, hết tiến độ lại được gia hạn khiến hàng trăm hộ dân ở khu vực này đi không được, ở không xong.
Nhiêu khê hơn, hấp lực lớn được hứa hẹn của dải cát này đã khiến nhiều nhà đầu tư bỏ qua cảnh báo pháp lý chưa rõ ràng để rồi rơi vào lùm xùm “tiền mất tật mang” dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
Vài năm gần đây, đã có nhiều chỉ thị quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Nam (cũ) về việc rà soát toàn diện để phân loại nhóm dự án tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nhằm thanh lọc các dự án không khả thi, trả lại không gian để chỉnh trang cho phố mới. Đã có tín hiệu tích cực mở ra từ đầu năm 2025 khi một số dự án đô thị dính đến tranh tụng kéo dài có được hướng tháo gỡ.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - Trần Nam Hưng, tất cả dự án chậm tiến độ trong khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đều sẽ lên kế hoạch, tiến độ với mốc cụ thể về thời gian hoàn thành. Việc triển khai tháo gỡ sẽ diễn ra đồng bộ, quyết liệt trên toàn khu vực đô thị mới chứ không riêng dự án nào.
Chờ hiệu ứng mới
Việc tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng hợp nhất có thể là bước ngoặt để tạo ra sức sống mới cho đô thị Điện Nam - Điện Ngọc. Phường Điện Bàn Đông (nơi tọa lạc đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc) chính là điểm chuyển tiếp để không gian đô thị Đà Nẵng tịnh tiến về hướng nam trước khi kết nối với đô thị Hội An và vùng Đông Quảng Nam (cũ).

Tại buổi tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản Đà Nẵng hậu sáp nhập” vừa diễn ra, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc hợp nhất Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ tạo ra sự cộng hưởng lớn trong việc phát triển đô thị từ lợi thế của hai bên.
Thành phố Đà Nẵng mới có chung cơ chế đặc thù theo quy định của thành phố Đà Nẵng cũ, điều này sẽ giúp các khu vực của Quảng Nam cũ nhanh chóng được lan tỏa năng lượng phát triển, trong đó có thể bắt đầu từ lĩnh vực bất động sản.
Theo nhận định chung của giới đầu tư, “nút thắt” quan trọng khiến đô thị Điện Nam - Điện Ngọc trầm lắng suốt thời gian dài đến từ sông Cổ Cò. Khá đặc biệt khi sông Cổ Cò chảy xuyên trong lòng đô thị mới này và khoảng 5km đoạn qua khu vực này cũng chính là tuyến sông đang bị bồi lấp.
Tỉnh Quảng Nam cũ đã chi hơn 900 tỷ đồng để nạo vét và phát triển hạ tầng sông Cổ Cò nên công cuộc khơi thông dòng sông đặc sắc này sẽ không thể dang dở.
Một số nhà đầu tư triển khai cầm chừng dự án trong thời gian qua kỳ vọng việc hợp nhất hai địa phương sẽ giúp tiến trình khơi thông sông Cổ Cò sớm về đích. Một khi sông Cổ Cò được khơi thông, giá trị, lợi ích các dự án hai bên bờ sông được nâng tầm là điều tất yếu. Từ đây sẽ thôi thúc các nhà đầu tư hạ quyết tâm hoàn thiện các dự án của mình. Điều này cũng gián tiếp điểm tô “gam màu sáng” cho đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.
Nguồn: https://baodanang.vn/tran-tro-mot-vung-do-thi-moi-3265629.html
Bình luận (0)