Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tuyển sinh ĐH 2025: Cẩn trọng với 'bẫy' điểm sàn

Kỳ xét tuyển vào ĐH năm nay, nhiều trường ĐH đưa ra mức điểm sàn xét tuyển rất thấp so với năm trước vì lý do phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay thấp. Vấn đề đặt ra là liệu điểm chuẩn sẽ công bố trong thời gian tới có giảm tương ứng?

Báo Thanh niênBáo Thanh niên27/07/2025

ĐIỂM SÀN LỆCH QUÁ LỚN VỚI ĐIỂM CHUẨN NĂM TRƯỚC

Năm nay, hầu hết các trường ĐH đều hạ mức điểm sàn xét tuyển so với năm 2024. Lý do là phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay thấp hơn so với năm trước, nhất là các môn toán, tiếng Anh, hóa, sinh, dẫn đến điểm các tổ hợp phổ biến như A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), B00 (toán, hóa, sinh), D01 (toán, văn, tiếng Anh), D07 (toán, tiếng Anh, hóa) bị kéo xuống. Trong đó, điểm sàn nhiều ngành năm nay so với điểm chuẩn của năm 2024 thấp hơn tới 5-6 điểm, thậm chí 9-10 điểm.

Chẳng hạn, điểm sàn các ngành marketing, kinh doanh quốc tế, tâm lý học của Trường ĐH Mở TP.HCM năm nay chỉ 16 điểm, trong khi năm 2024 điểm chuẩn các ngành này lần lượt là 24,5; 23,75 và 23,8, chênh nhau lần lượt 8,5; 7,75 và 7,8 điểm.

Năm nay, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng đưa ra mức điểm sàn 15 cho tất cả các ngành, trong khi năm 2024, điểm chuẩn thấp nhất của trường này là ngành văn hóa các dân tộc thiểu số VN đã 22 điểm.

Tuyển sinh ĐH 2025 và những điều cần biết về điểm sàn đại học - Ảnh 1.

Phụ huynh, thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH

ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chênh lệch điểm sàn xét tuyển năm nay và điểm chuẩn năm ngoái của ĐH Kinh tế TP.HCM cao nhất là 7,2 điểm. Còn tại Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), với điểm sàn năm nay là 18 và 20 thì nhiều ngành chênh lệch so với điểm chuẩn năm 2024 từ 4-5 điểm, cao nhất là 8,8 điểm.

Tất cả các ngành của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM năm nay có điểm sàn 16, chênh lệch so với điểm chuẩn năm ngoái từ 6-9 điểm, trong đó ngành thú y có mức chênh lệch cao nhất (năm ngoái điểm chuẩn là 25). Trường ĐH Tài chính - Marketing năm nay lấy điểm sàn 15 cho tất cả các ngành. So với điểm chuẩn năm 2024 thì chênh lệch thấp nhất là 7 điểm và cao nhất là 10,9 điểm.

ĐIỂM CHUẨN LIỆU CÓ BẤT NGỜ ?

Theo PGS - tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, đến nay trường đã nhận được lượng lớn hồ sơ ở cả cơ sở tại TP.HCM và Phân hiệu Vĩnh Long. Trong đó, cơ sở TP.HCM có tới 70% hồ sơ là các thí sinh (TS) đạt thành tích học tập loại giỏi trở lên hoặc học sinh (HS) trường chuyên, HS giỏi cấp tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, 40% TS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 điểm trở lên hoặc có giải thưởng HS giỏi cấp tỉnh/thành phố. Tương tự, Phân hiệu Vĩnh Long cũng có khoảng 50% hồ sơ là các TS đạt thành tích học tập loại giỏi trở lên hoặc HS trường chuyên, HS giỏi cấp tỉnh/thành phố; 20% TS trong số này có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt điểm theo quy định.

"Với tình hình hồ sơ hiện tại, dự báo điểm chuẩn sẽ có xu hướng dao động tăng/giảm trong phạm vi 1 điểm tùy chương trình đào tạo so với năm ngoái", PGS Hùng nhận định.

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay lấy điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức 19 điểm (giảm 2 điểm so với năm ngoái). Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên trường này, cho hay năm nay trường xét tuyển 6 tổ hợp môn, trong đó tổ hợp X25 (toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật) và X26 (toán, tiếng Anh, tin học) là mới so với năm 2024. "Với tình hình phổ điểm năm nay, có thể điểm chuẩn của trường sẽ giảm khoảng từ 0,5-1,5 điểm so với năm ngoái do việc sử dụng 2 môn xét tuyển chủ lực gồm toán và tiếng Anh", thạc sĩ Tiến dự báo.

Tuy nhiên, thạc sĩ Tiến cho rằng các ngành "nóng" (như kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, kinh tế quốc tế, marketing, luật kinh tế) thường có mức độ cạnh tranh cao, nhiều TS quan tâm nên mức độ giảm điểm chuẩn sẽ ít hơn các ngành còn lại. Ngược lại, những ngành/chuyên ngành mới như luật dân sự chương trình tiếng Anh; toán ứng dụng trong kinh tế, quản trị và tài chính chương trình tiếng Anh, công nghệ tài chính chương trình Co-operative Education, hệ thống thông tin quản lý chương trình Co-operative Education… sẽ "dễ thở" hơn.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM năm nay lấy điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức 17-19 điểm (giảm tương đương 1 điểm so với năm ngoái). Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết điểm chuẩn các ngành của trường được dự báo có thể giảm trên dưới 1 điểm tùy ngành.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, nhìn chung điểm chuẩn nhiều ngành có thể giảm nhưng vẫn có khả năng điểm chuẩn một số ngành của một số trường tăng mạnh so với điểm sàn.

Trường ĐH Nha Trang năm nay không công bố điểm sàn xét tuyển. Lý giải việc này, PGS - tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay: "Nhà trường không công bố điểm sàn mà chủ yếu thông tin cho các TS về điểm chuẩn các năm trở lại đây và dự báo năm nay giảm so với năm trước để TS có định hướng rõ hơn". Theo dự báo của trường ĐH này, điểm chuẩn của trường có thể giảm 1-3 điểm so với năm ngoái, tùy từng ngành.

Tuyển sinh ĐH 2025: Cẩn trọng với 'bẫy' điểm sàn - Ảnh 1.

Kỳ xét tuyển vào ĐH năm nay, nhiều trường ĐH đưa ra mức điểm sàn xét tuyển rất thấp

ảnh: đào ngọc thạch

ĐỂ TRÁNH "BẪY" ĐIỂM SÀN THẤP

"Lấy điểm sàn quá cao không những rủi ro cho trường mà còn rủi ro cho cả TS. Vì không phải ngành nào cũng ổn định điểm chuẩn như các năm, có thể năm ngoái cao nhưng năm nay thay đổi xu hướng điểm chuẩn lại thấp xuống. Như vậy nếu lấy điểm sàn cao, TS sẽ nghĩ rằng điểm chuẩn ngành đó cao nên không đăng ký và sẽ mất cơ hội", PGS - tiến sĩ Bùi Quang Hùng chia sẻ. Vì vậy, ông khuyên TS cần phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn, đồng thời cũng nên tìm hiểu điểm chuẩn các năm trước của ngành, trường mà mình muốn đăng ký trước khi đặt nguyện vọng.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, cho rằng nếu các trường căn cứ điểm chuẩn của từng ngành trong những năm trước để xác định điểm sàn, tránh tình trạng chênh lệch lớn, có thể khiến việc tuyển sinh gặp nhiều rủi ro. Cụ thể, điểm sàn quá cao sẽ khiến trường không tuyển đủ chỉ tiêu nếu năm nay số lượng TS đăng ký vào ngành đó giảm hoặc phổ điểm thi thấp hơn năm trước. Đồng thời điểm sàn quá cao cũng làm TS mất cơ hội vì có những em điểm không cao nhưng vẫn nằm trong tốp đầu của ngành nếu ít người đăng ký. Việc nâng điểm sàn theo điểm chuẩn cũ sẽ vô tình "đóng cửa" với những TS này. "Chưa kể phổ điểm và xu hướng xét tuyển thay đổi hằng năm nên việc cố định điểm sàn dựa trên điểm chuẩn cũ là không hợp lý", thạc sĩ Kim Phụng nhìn nhận.

Chính vì vậy, theo thạc sĩ Phụng, để tránh nhầm lẫn, TS và phụ huynh cần hiểu rõ khái niệm điểm sàn, điểm chuẩn. Đặc biệt, cần tham khảo dữ liệu các năm trước, xem phổ điểm và điểm chuẩn của trường/ngành để định vị khả năng trúng tuyển thay vì chỉ nhìn vào điểm sàn. "TS đăng ký nguyện vọng không chỉ dựa trên điểm sàn mà cần theo năng lực thực tế và sở thích, không vì thấy điểm sàn thấp mà cho là dễ đậu. Các trường khi tư vấn cũng nên giải thích rõ ràng, nhấn mạnh rằng điểm sàn thấp không có nghĩa là ngành dễ trúng tuyển", thạc sĩ Phụng nêu quan điểm.

Tương tự, tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho hay: "TS nếu không tìm hiểu kỹ dễ bị nhầm lẫn. Nhiều TS và cả phụ huynh vẫn chưa phân biệt rõ giữa điểm sàn và điểm chuẩn nên thấy điểm sàn thấp thì tưởng có cơ hội cao mà không tìm hiểu kỹ điểm chuẩn những năm trước để tham khảo và cân nhắc trước khi đặt nguyện vọng".

"Khi công bố thông tin tuyển sinh, các trường cũng cần công khai phổ điểm trúng tuyển, chỉ tiêu từng ngành, tỷ lệ chọi… để TS có cơ sở đánh giá thực tế. Còn TS cũng cần tìm hiểu kỹ mức điểm trúng tuyển và chỉ tiêu từng năm của ngành tại trường mình định đăng ký xét tuyển", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

Phân biệt điểm sàn, điểm chuẩn

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng phân biệt: Điểm sàn là mức điểm tối thiểu do trường quy định để đảm bảo chất lượng đầu vào của trường đó. TS phải đạt từ điểm sàn trở lên mới được xét tuyển. Điểm sàn không phản ánh độ "hot" hay mức độ cạnh tranh của ngành/trường. Còn điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn so với điểm sàn. Điểm chuẩn là mức điểm thực tế TS trúng tuyển sau khi nhà trường xét tuyển dựa trên chỉ tiêu, số lượng TS đăng ký và chất lượng của các TS khi đăng ký vào. Nói cách khác, điểm sàn chỉ là "ngưỡng vào", còn điểm chuẩn là "ngưỡng trúng tuyển".

Nguồn: https://thanhnien.vn/tuyen-sinh-dh-2025-can-trong-voi-bay-diem-san-185250727202036796.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm