Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, ngày 9-12-1961_Ảnh: Tư liệu
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với trên 14,1 triệu người, chiếm trên 14,7% dân số cả nước(1). Các dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu ở vùng núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa - những địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ: “Các chú đều biết là miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc… Làm được như vậy thì vừa nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, vừa góp phần cung cấp những thứ cần thiết cho Nhà nước”(2).
Người luôn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số tình cảm đặc biệt, khẳng định đồng bào dân tộc thiểu số là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi trở về Tổ quốc (ngày 28-1-1941), Người đã chọn Cao Bằng làm điểm dừng chân, xây dựng Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc làm căn cứ địa của cách mạng, gắn bó với đồng bào. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plâycu”, ngày 19-4-1946, Người viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta. Ngày nay, nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có "NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ" để săn sóc cho tất cả các đồng bào”(3).
Người luôn nhắc nhở, “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”(4). Trong đó, yêu cầu đầu tiên là phải đào tạo, nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng loại hình trường, lớp phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người dặn các cán bộ phải “chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm”, “để đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động”(5).
Nói chuyện với đồng bào các dân tộc, Người luôn dặn dò, để phát triển quê hương, đồng bào cần quyết tâm học tập để không ngừng tiến bộ, không ngừng phát triển. “Còn kém thì phải học, phải tích cực học cách làm việc, tích cực học chuyên môn cho biết. Nếu vì kém mà không làm thì không được. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyết tâm học thì phải biết, nhất định biết. Biết là tiến bộ”(6).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Theo Người, đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số là để sử dụng, muốn sử dụng có kết quả thì phải phải chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên, có kế hoạch cụ thể, sát hợp, lựa chọn và quy hoạch rõ ràng. Các cán bộ lãnh đạo phải “ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ”(7).
Người cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ cán bộ nữ. Nói chuyện tại Hội nghị phụ nữ cán bộ miền núi (ngày 19-3-1964), Người khẳng định, “Từ ngày cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi, Đảng và Chính phủ đã làm cho gái và trai bình quyền, các dân tộc bình đẳng”(8). Do vậy, “chị em phải cố gắng học tập. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Có quyết tâm thì nhất định học được”(9). Người thường xuyên nhắc nhở các cấp uỷ, chính quyền cần phải quan tâm và có chiến lược phát triển để phụ nữ phát huy hết năng lực. Tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, khi được biết không có đại biểu nữ người dân tộc thiểu số nào được mời tham dự, Người đã phê bình nghiêm khắc: “Trong mọi mặt hoạt động cách mạng, phụ nữ các dân tộc thiểu số đều có đóng góp lớn lao. Một cuộc họp như thế này mà quên mất vai trò phụ nữ, thì chắc ở các địa phương, các chú cũng quên mất vai trò phụ nữ”(10).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về công tác cán bộ. Từ tư tưởng của Người, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ then chốt trong mọi giai đoạn cách mạng.
Cán bộ giám sát và hướng dẫn hộ gia đình nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa mô hình nuôi ong lấy mật giúp giảm nghèo bền vững_Ảnh: TTXVN
Những kết quả trong xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Nghệ An
Nghệ An có 11/21 huyện miền núi (chiếm 2/3 diện tích toàn tỉnh), với 248 xã, thị trấn, 3.809 khối, xóm, bản. Dân số khu vực này có hơn 1,2 triệu người (chiếm 36% dân số toàn tỉnh), trong đó có 39 dân tộc thiểu số với hơn 491 nghìn người. Với đường biên giới dài 419km, các huyện miền núi Nghệ An là nơi có vị trí chiến lược quan trọng trong việc giữ vững quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh nói riêng, vùng Bắc Trung Bộ nói chung. Bởi vậy, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Nghệ An là một trong những nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ tỉnh thời gian qua.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, đề án từng bước xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, như: Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 15-1-2004, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, “Về củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng giáo”; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 11-7-2006, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, “Về chương trình phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2006 - 2010”; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thuộc tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2020; Đề án nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn miền núi và dân tộc, gắn với tạo nguồn và đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số; Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, trọng tâm là cán bộ các xã 10 huyện miền núi giai đoạn 2001 - 2005; Đề án đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng, giai đoạn 2006 - 2010…
Với định hướng đúng đắn, cách làm bài bản, công tác phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, sau khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy năng lực, sở trường, củng cố chuyên môn, góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ.
Giai đoạn 2020 - 2023, toàn tỉnh Nghệ An đã tuyển dụng 272 công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, trong tổng số 1.288 người được tuyển dụng, chiếm 20,9%(11). Tính đến tháng 12-2023, toàn tỉnh có 9.159 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số hiện đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương (chiếm 13,3% cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh). Trong đó, cấp tỉnh là 1.560/16.565 người, (tỉ lệ 9,4%); cấp huyện là 5.054/42.541 người (tỉ lệ 11,9%), cấp xã 2.580/9.382 người (tỉ lệ 27%)(12). Việc sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số được các cơ quan, đơn vị thực hiện trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với năng lực, sở trường công tác, bảo đảm tương đối hài hoà, hợp lý. Bên cạnh đó công tác quản lý, đánh giá cán bộ cũng được chú trọng, kết quả đánh giá, xếp loại là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng. Chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số từng bước được củng cố, nâng cao, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong công tác.
Công tác quy hoạch cán bộ là người dân tộc thiểu số được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp quan tâm, thực hiện liên thông giữa tỉnh và huyện, huyện và xã, giữa các cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong quy hoạch từ tỉnh đến cơ sở từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay cơ bản bảo đảm theo quy định, cụ thể: Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 14/105 đồng chí, chiếm 13,33%; quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy là 5/24 đồng chí, chiếm 20,83%; quy hoạch cán bộ chủ chốt là 2/22 đồng chí, chiếm 9,09%. Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số trong quy hoạch ban chấp hành đảng bộ huyện là 203/1.052 đồng chí, chiếm 19,3%; quy hoạch ban thường vụ huyện ủy là 44/486 đồng chí, chiếm 9,05%; quy hoạch các chức danh chủ chốt cấp huyện là 83/577 đồng chí, chiếm 14,38%. Ở cấp xã, quy hoạch ban chấp hành đảng bộ có1.630/8.996 đồng chí, chiếm 18,12%; quy hoạch các chức danh chủ chốt có 1.531/16.088 đồng chí, chiếm 9,52%(13)…
Việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm quy trình, chặt chẽ, dân chủ, công khai. Từ năm 2020 đến tháng 12-2023, cấp tỉnh đã bầu 3 đồng chí cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, 1 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 1 đồng chí chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện được luân chuyển, bổ nhiệm trưởng ban dân tộc tỉnh. Cấp huyện thực hiện luân chuyển, điều động 23 đồng chí từ huyện về xã, 18 đồng chí từ xã lên huyện, 133 đồng chí từ xã này sang xã khác trong huyện và 44 đồng chí luân chuyển từ phòng, ban này sang phòng, ban khác(14)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Nghệ An vẫn còn một số hạn chế. Vẫn còn sự mất cân đối về tỷ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số trong hệ thống chính trị, nhiều cơ quan, đơn vị không có cán bộ là người dân tộc thiểu số. Công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ chưa hiệu quả, việc bố trí cán bộ ở các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở còn bất cập, chưa đúng với chuyên môn được đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng còn nhiều bất cập, chất lượng, nội dung, chương trình đào tạo chưa gắn với thực tiễn, dẫn đến tình trạng mất cân đối trong sử dụng vị trí việc làm. Số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số được đào tạo chính quy, bài bản chiếm tỷ lệ ít, năng lực lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ của nhiều đồng chí chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác tạo nguồn…
Những hạn chế, yếu kém trên bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đặc thù về đặc điểm vị trí địa lý, tự nhiên ở khu vực miền núi khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng yếu kém, nguồn lực đầu tư hạn chế, phong tục tập quán còn lạc hậu. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực miền núi chỉ bằng 50% so với mức trung bình toàn quốc. Các huyện miền núi là nơi có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, vấn đề di dịch dân tự do diễn ra phức tạp. Các thế lực thù địch lợi dụng khó khăn vùng dân tộc thiểu số để xuyên tạc, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Đây là những rào cản đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Nghệ An.
Giữ gìn nghề mây tre đan truyền thống ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An_Ảnh: baonghean.vn
Những giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số ở Nghệ An trong thời gian tới
Một là, Nghệ An cần tiếp tục quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Đẩy mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt vùng miền, dân tộc, “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(15) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hai là, tiếp tục rà soát, đánh giá lại từng khâu trong công tác cán bộ, đặc biệt là công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số. Cần bảo đảm việc tuyển dụng đúng năng lực, sở trường, phù hợp với vị trí việc làm và điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Tỉnh cần nghiên cứu và đề xuất cơ chế phù hợp trong việc tuyển dụng, sử dụng và xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, để vừa đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, vừa có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp của địa phương.
Ba là, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi của tỉnh. Đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, xây mới kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao về điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. “Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững”(16).
Bốn là, nghiên cứu và đề xuất Trung ương xây dựng cơ chế đặc thù trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú ý đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Ngoài những đặc điểm chung, cần phải căn cứ vào văn hóa vùng miền, vị trí địa lý, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương để có những chính sách riêng phù hợp.
Năm là, Nghệ An cần đề xuất và xây dựng các kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp, gắn liền với thực tiễn khu vực miền núi để góp phần giúp khu vực này càng phát triển, tiến kịp với khu vực đồng bằng, đô thị. Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, tỉnh cần có chính sách riêng phù hợp để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho khu vực này./.
--------------------------
(1) “Thông cáo báo chí Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019”, Cơ sở dữ liệu về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, https://thongkedantoc.vn/thong-bao_5.html, ngày 3-7-2020.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 14, tr. 166
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 249
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 270
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 164
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 212
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 523
(8) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 262, 263, 158
(11), (12), (13), (14) Xem: Vũ Hồng Hào: “Nghệ An: Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số”, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nghệ An, https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/nghe-an--xay-dung--nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-dan-toc-thieu-so/156332-364187-180520, ngày 9-10-2023.
(15), (16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 50, 170.
Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/thuc-tien-kinh-nghiem1/-/2018/1088402/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-xay-dung-doi-ngu-can-bo-nguoi-dan-toc-thieu-so-o-nghe-an.aspx
Bình luận (0)