Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Văn học trẻ Hà Nội:

Đội ngũ người viết trẻ hôm nay chính là tương lai của nền văn học nước nhà. Bước vào thời kỳ mới, lớp nhà văn trẻ Hà Nội đang cho thấy những chuyển động mạnh mẽ để vừa giữ gìn bản sắc cá nhân, vừa thích nghi với những thay đổi về thị hiếu, công nghệ và không gian tiếp nhận mới. Qua đó, góp phần làm giàu diện mạo và khẳng định vị thế của văn chương Thủ đô.

Hà Nội MớiHà Nội Mới19/07/2025

sach-1.jpg
Độc giả lựa chọn các tác phẩm văn học tại nhà sách của Nhà Xuất bản Kim Đồng.

Sáng tạo trong chủ đề và phong cách

Những năm gần đây, Hà Nội chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của lực lượng văn thơ trẻ có tư duy độc lập, có sản phẩm sáng tạo thực chất và đang dần hình thành những khuynh hướng thẩm mỹ mới, cả về chủ đề lẫn phong cách nghệ thuật.

Ở lĩnh vực thơ, những cái tên như: Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Lữ Mai, Nguyễn Thị Kim Nhung, Lý Hữu Lương, Du Nguyên, Nam Thi, Trần Thị Hằng, Nguyễn Vũ Hiệp, Ngô Gia Thiên An, Vũ Ngọc Đan Linh… đã tạo dựng được vị trí trong lòng độc giả. Nhiều người trong số họ là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội hoặc Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời có hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội - nơi tập hợp các cây bút trẻ có tiềm năng và khát vọng sáng tạo. Một số tác giả nhận được giải thưởng từ Hội Nhà văn Việt Nam và các tổ chức chuyên ngành khác. Những tác phẩm như “Văn học vết thâm” (Nguyễn Thị Thúy Hạnh), “Yao” (Lý Hữu Lương), “Thức cùng tưởng tượng” (Nguyễn Thị Kim Nhung), “Mây trong hang thỏ” (Nguyễn Vũ Hiệp)… được đánh giá cao.

Các tác phẩm cho thấy sự vận động tích cực của thế hệ thơ trẻ cả về hình thức thể hiện, chiều sâu tư tưởng và sự dũng cảm trong việc khai thác những đề tài gai góc của đời sống đương đại.

Ở mảng văn xuôi, những cây bút trẻ quen thuộc như Đức Anh, Minh Trang, Cao Nguyệt Nguyên, Hiền Trang… vẫn luôn tìm tòi hướng sáng tạo mới. Hiền Trang có tiểu thuyết “Quán bar trong bụng cá voi” hay cuốn “Nếu tất cả những gì tôi có là ngôn từ”; Cao Nguyệt Nguyên với “Lũ quỷ nhỏ xóm trọ Thành Công”… Lớp nhà văn sinh sau năm 1990, đặc biệt là Gen Z (sinh từ năm 1995 đến 2012) đang phát triển với những màu sắc đa dạng, như nhà văn Triều Dương (sinh năm 2001) có tập truyện “Không gì ngoài cơn mưa” khá gai góc và sắc nét… Sau Giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời”, nhà văn Đức Anh (sinh năm 1993), đang thử nghiệm sáng tác tiểu thuyết bằng tiếng Anh.

Theo nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội, văn chương trẻ Thủ đô phát triển năng động, độc lập, gắn với nhịp sống hiện đại và khai thác sâu cảm thức cá nhân. Các tác giả sáng tạo ngôn ngữ, hình thức mới, kết hợp đời sống với yếu tố hậu hiện đại, tạo kết nối gần gũi và sống động với độc giả. Nhiều cây bút mạnh dạn khai phá đề tài mới, tiếp cận văn học toàn cầu.

Nhịp chuyển cùng thời đại

sach-2.jpg
Nhà văn trẻ Hiền Trang (bên trái) chia sẻ về các tác phẩm văn học.

Trong bối cảnh cách thức tiếp nhận thông tin thay đổi chóng mặt và khoảng chú ý của người đọc ngày càng rút ngắn, làm sao để có tác phẩm văn học hấp dẫn được độc giả là thách thức với các tác giả. Tuy nhiên, nếu ai đã từng đến những buổi đọc thơ văn tại không gian Cửa Ô quán, hay các diễn đàn văn chương của Trạm đọc, chắc chắn cảm nhận rõ, người trẻ hiện nay không thờ ơ với văn chương. Những buổi giao lưu, trao đổi, giới thiệu, ra mắt sách trẻ vẫn thu hút đông đảo độc giả. Điều này có được là từ những chuyển động nhanh nhạy của các tác giả trẻ Thủ đô.

Cây bút trẻ Vũ Ngọc Đan Linh cho rằng, trong thời đại ngày nay, người đọc không chỉ tiếp cận văn chương qua sách in mà còn qua màn hình điện thoại, qua những bản audio đọc thơ. Việc được nghe trực tiếp tại những sự kiện đọc thơ văn hay thậm chí qua những đoạn video có chữ chạy kèm nhạc nền đã mang đến nhiều lựa chọn cho người đọc. Văn chương len lỏi trong các định dạng mới, các không gian mới nơi cảm xúc được truyền tải không chỉ bằng từ ngữ mà bằng cả nhịp điệu, hình ảnh, hiệu ứng thị giác. Sự thay đổi đó là một sự thích nghi với thời cuộc, thậm chí là một cách mở rộng văn học, kết nối những người viết và người đọc với nhau.

Văn chương trẻ Hà Nội trong thời kỳ mới đã không còn khép mình trong khuôn khổ của thơ in, văn in mà đã và đang giải phóng mình theo nhiều chiều hướng như thơ trên Facebook, Instagram, văn chương kể chuyện qua hình ảnh, clip…

Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho biết thêm, những người viết trẻ của Hà Nội hôm nay không đứng ngoài thời cuộc mà chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận, tham gia các sân chơi quốc tế, viết bằng ngoại ngữ, tổ chức các sự kiện giao lưu sáng tác, xuất bản sách ở nước ngoài… Họ đang góp phần tích cực làm mới văn học đương đại, chứng minh rằng họ không chỉ giỏi công nghệ mà còn có lý tưởng sáng tạo và khát vọng hội nhập.

Bên cạnh nỗ lực từ chính bản thân người viết trẻ, việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho những cây bút này phát triển lâu dài cần được các cấp, ngành, hội chú trọng. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội) cho biết, Hội Nhà văn Hà Nội đang triển khai các kế hoạch hỗ trợ tác giả trẻ. Việc mở rộng sân chơi như hội thảo chuyên đề, tọa đàm, hội thi, các chương trình giao lưu, trại sáng tác, xuất bản tác phẩm mới… sẽ tiếp thêm năng lượng và môi trường để lớp trẻ khẳng định mình.

Tiếp tục sáng tạo, đổi mới, các tác giả trẻ Hà Nội không chỉ đem đến các tác phẩm đậm bản sắc, mà còn tạo môi trường văn hóa phong phú, đa dạng. Từ đó, mở ra những góc nhìn mới, giúp độc giả hiểu sâu hơn về các vấn đề xã hội và con người hôm nay, đồng thời đóng góp vào phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và đất nước.

Nguồn: https://hanoimoi.vn/van-hoc-tre-ha-noi-giu-gin-ban-sac-bat-nhip-thoi-dai-709673.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm