Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô thuộc nhóm Dự án quan trọng quốc gia; được Quốc hội quyết định đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ- CP ngày 18-8-2022 để triển khai nghị quyết của Quốc hội.

Thúc đẩy Vùng Thủ đô “cất cánh”

Không gian quy hoạch của Vùng Thủ đô Hà Nội hiện nay bao trùm TP Hà Nội và 9 tỉnh là Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên; là một trong những vùng trọng điểm kinh tế-xã hội, chính trị của cả nước. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối liên vùng lại chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhìn rõ những hạn chế về kết nối hạ tầng đó, Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội đặt ra mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội-Lào Cai; Hòa Lạc-Hòa Bình; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Cầu Giẽ-Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài-Bắc Ninh. Đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. “Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô. Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3-tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này”, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội chia sẻ.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Nguồn: UBND TP Hà Nội   

Theo các chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh… sẽ phát triển rất nhanh khi dự án Vành đai 4 được triển khai; đồng thời giải quyết hàng loạt điểm ùn tắc giao thông như cửa ngõ phía Nam, cầu Thanh Trì, Quốc lộ 2, Quốc lộ 5… Đáng chú ý, sân bay Nội Bài – cửa ngõ hàng không quốc tế của cả Vùng Thủ đô sẽ được kết nối trực tiếp đến các tỉnh, thành lân cận, giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp vận tải, giảm áp lực giao thông cho các cửa ngõ Hà Nội, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong Vùng Thủ đô và cả nước nói chung.

Chuyên gia Đào Huy Hoàng (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải) cho rằng Vành đai 4 về bản chất là tuyến đường vòng cung với chức năng chính là kết nối liên vùng. Đồng thời, đây cũng là con đường nằm ở vòng ngoài thành phố, do vậy ông nhấn mạnh cần tập trung làm bài bản các đường trục chính, hướng tâm. Các trục này nếu được quy hoạch bài bản, mặt cắt ngang rộng và khoảng cách phù hợp sẽ là yếu tố cốt lõi giúp hút dân cư khỏi nội đô, phát triển đô thị đồng thời giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay.

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội nhận định: Sau khi Vành đai 4 hoàn thành sẽ thu hút dân cư giúp giãn dân nội đô, đây là cơ hội, nhưng cũng đồng thời là thách thức, bởi phải đối diện với nguy cơ đô thị phát triển tự phát, xây dựng trái phép theo kiểu vệt dầu loang. Ông nhấn mạnh thành phố cần sớm có quy hoạch cụ thể đồng thời quản lý chặt quỹ đất xung quanh tuyến đường.

“Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”

Trước đó, chiều 14-3, tại Thành ủy Hà Nội, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội chủ trì buổi làm việc với Ban Chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP về tình hình triển khai dự án, yêu cầu từng đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo triển khai dự án trên địa bàn TP Hà Nội; lãnh đạo các cấp, các ngành tiếp tục vào cuộc với ý chí quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất; xác định tất cả vì việc chung; coi kết quả thực hiện dự án là danh dự, là trách nhiệm của bản thân. Khi thực hiện, các cấp, các ngành và từng cá nhân phải sâu sát cơ sở, bảo đảm liên thông trên tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”; bảo đảm tiến độ đề ra, có vướng mắc vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay.

Người dân làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng. Ảnh: kinhtedothi.vn 

Trước đây, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, bởi diện tích đất cần thu hồi lên đến hàng trăm ha, gồm cả đất nông nghiệp, đất ở, đất giao thông, trường học, nghĩa trang và khiến cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Phải kể đến đó là khó khăn chung khi thu hồi diện tích đất chéo, méo, khó canh tác, có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50m2 nằm ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng; vấn đề chi phí với việc di chuyển mộ chưa cải táng; gia đình có diện tích thu hồi đất ở lớn nhưng chưa tách hộ, tách thửa…; khó khăn trong xác định chủ đất và xảy ra tranh chấp nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và một số thửa đất được sử dụng không đúng mục đích nay không được bồi thường…

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến ngày 20-6, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Để đạt được kết quả trên, TP Hà Nội đã chủ động, quyết liệt, áp dụng 4 nhóm giải pháp chính đó là: Tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập; triển khai đồng thời công tác giải phóng mặt bằng với một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng để các địa phương tổ chức thực hiện; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, rà soát nhu cầu tái định cư, trên cơ sở đó tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện giải phóng mặt bằng khu tái định cư (nếu có).

Cùng với đó, TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tổ chức tốt việc phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các quận, huyện, đơn vị liên quan, gắn trách nhiệm đúng địa chỉ, đúng đối tượng. Các cấp, ngành cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động để bảo đảm không để xảy ra tiêu cực trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

 “Thần tốc” giải phóng mặt bằng, sẵn sàng cho ngày khởi công

Mặc dù quá trình triển khai thực hiện đôi lúc còn chậm, còn vướng mắc, nhưng theo báo cáo, đến ngày 20-6, các địa phương đã cơ bản đáp ứng được tiến độ giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ là bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30-6-2023, khởi công trong tháng 6-2023.

Tại buổi làm việc kiểm tra thực tế tình hình, tiến độ triển khai thực hiện dự án chiều 20-6, đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, tính đến nay, các quận/huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã thu hồi đất bàn giao mặt bằng được 651,33/798,043ha, đạt 81,62%, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng số mộ chí đã di chuyển 6.035/10.039 ngôi (đạt 60,12%). Tổng số tiền đã phê duyệt 4.626,79 tỷ đồng.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Đũng kiểm tra vị trí khởi công tại huyện Hoài Đức. Ảnh: VIẾT THÀNH

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện 7 quận, huyện có Dự án đường Vành đai 4 đi qua cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng đang vượt kế hoạch TP đặt ra và đều thể hiện quyết tâm cao trong quá trình triển khai dự án.

Một năm sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội (6-2022), dự án trọng điểm quốc gia này sẽ chính thức được khởi công vào ngày 25-6. Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ: “Tôi lưu ý, đã khởi công phải làm ngay, đã làm là phải làm liên tục. Chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu chuẩn bị đầy đủ máy móc, sẵn sàng nguyên vật liệu để tổ chức thi công. Các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị và từng đồng chí phải coi thực hiện dự án bảo đảm tiến độ theo đúng nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị là cơ bản hoàn thành vào năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027; coi đây là nhiệm vụ chính trị; đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn nữa để thực hiện”.

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km. Điểm đầu của đường Vành đai 4 nối cao tốc Hà Nội-Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài-Hạ Long. Dự án qua địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km), Hưng Yên (dài 19,3km), Bắc Ninh (dài 25,6km) và tuyến nối (dài 9,7km).

Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP); được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

 

 

THANH HƯƠNG – HỒNG QUANG