Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đại diện Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, bệnh nhân tên Đ.V.L, sinh năm 1960, trú tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), mắc một loại bệnh khá hiếm là u vỏ bào thần kinh ác tính, bệnh chỉ chiếm khoảng 5-10% trong số tất cả các khối u vỏ bào thần kinh.

Tháng 8-2022, ông L phát hiện một khối u sau phúc mạc với kích thước 18cm, khối lượng 3kg và đã được phẫu thuật cắt bỏ tại một bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua giải phẫu sau mổ, các bác sĩ xác định đây chỉ là u mỡ lành tính.

 PGS, TS Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau khi phẫu thuật.

Tuy nhiên, sau mổ 5 tháng, bệnh nhân thấy khối u xuất hiện lại, làm bụng to dần, không đau nhưng toàn thân mệt mỏi, ăn uống kém. Sau đó, ông sút 6kg, đại tiện khó, trong khi khối u to lên rất nhanh làm bệnh nhân khó thở và hạn chế vận động. Sau khi đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân được làm các xét nghiệm, chụp cắt lớp ổ bụng và bác sĩ cho biết có khối u sau phúc mạc kích thước lớn, đẩy thận và niệu quản trái ra trước, vào trong, dính nhiều vào cuống thận trái, đẩy động mạch chủ bụng sang phải, đẩy đại tràng trái cùng tụy ra trước và lên trên, có chứa thành phần mỡ mổ đặc nghi Liposarcoma.

Sau khi làm các thủ tục, vừa qua, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Viện Phẫu thuật Tiêu hóa đã tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ khối u. Tuy nhiên toàn bộ thận trái và cuống thận trái “như chui” vào trong lòng khối u, khiến việc bảo tồn thận trái rất khó khăn. Khối u dính vào động mạch chủ bụng và động mạch mạc treo tràng trên nên đòi hỏi phẫu thuật viên phải hết sức thận trọng khi thao tác.

 Hình ảnh khối u trên bụng bệnh nhân trước khi phẫu thuật loại bỏ.

PGG, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật Tiêu hóa cho biết: “Đây là một trong những khối u lớn nhất và nằm ở vị trí rất khó phẫu thuật mà kíp bác sĩ từng gặp. Chỉ trong mấy tháng khối u đã tái phát và nặng lên đến 5,5kg, kích thước khoảng 30cm chiếm gần hết khoang bụng. Đối với trường hợp này, thận trái như chui vào trong lòng khối u, nếu lấy bỏ thận trái sẽ thuận lợi hơn nhiều cho việc cắt bỏ khối u, tuy nhiên chúng tôi đã rất cố gắng giữ lại thận để đảm bảo chức năng sống cho bệnh nhân sau này, chính vì thế cuộc mổ đã khó khăn hơn rất nhiều”.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh thêm, để đề phòng tái phát, kíp phẫu thuật đã kiểm tra rất kỹ ổ bụng để tìm bất cứ vị trí nào nghi ngờ có khối u khác. Ngoài ra, bệnh viện đang tiếp tục làm hóa mô miễn dịch để xác định chính xác bản chất khối u là loại tế bào gì, trên cơ sở đó sẽ xác định phương án điều trị bổ sung như hóa trị, xạ trị hoặc miễn dịch để hạn chế khả năng tái phát, kéo dài thời gian sống. Được biết, hiện tại, bệnh nhân đã bình phục, có thể tự vận động, đi lại.

Tin, ảnh: MAI HẰNG – CHIẾN VĂN