Bữa tiệc mua sắm vàng

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngân hàng trung ương các nước tiếp tục kéo dài “bữa tiệc mua sắm vàng” từ mùa hè sang mùa thu, mang về kho dự trữ thêm 42 tấn trong tháng 10 vừa qua.

Đây là báo cáo mới nhất vừa được nhà phân tích cao cấp Krishan Gopaul đến từ WGC công bố.

Hoạt động mua ròng vàng với khối lượng lớn của ngân hàng trung ương các nước có thể là yếu tố đẩy giá vàng thế giới liên tục tăng trong thời gian qua. Gần đây, giá vàng đã lập kỷ lục cao lịch sử, 2.150 USD/ounce, trước khi điều chỉnh đôi chút về mức 2.040 USD/ounce như hiện tại.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng trang sức vào dịp lễ tết ở khu vực châu Á cũng góp phần đẩy giá vàng đi lên.

giavang kc.gif
Giá vàng tăng mạnh trong thời gian gần đây. (Ảnh KC)

Theo WGC, lượng vàng được ngân hàng trung ương các nước mua trong tháng 10 đã chậm lại đôi chút so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, xu hướng mua ròng vẫn là không đổi. Và nó thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vàng trên thế giới.

Trước đó, trong tháng 9, ngân hàng trung ương các nước đã mua ròng ở một mức rất lớn, lên tới 72 tấn. Dù vậy, mức mua ròng 42 tấn trong tháng 10 cũng vẫn cao hơn 23% so với trung bình 34 tấn trong 9 tháng đầu năm 2023.

Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) là ngân hàng trung ương mua nhiều nhất trong tháng 10 với 23 tấn. Đây là tháng mua ròng thứ 12 liên tiếp của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Trung Quốc.

Với mức mua ròng trong tháng 10, tổng cộng trong 10 tháng đầu năm PBoC đã mua 204 tấn, nâng dự trữ vàng của cơ quan này lên 2.215 tấn.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, ngân hàng trung ương nước này đã mua 19 tấn, qua đó nâng tổng số vàng nắm giữ lên 498 tấn. Tuy nhiên, tính trong trong 10 tháng đầu năm, tổ chức này bán ròng 44 tấn do trong khoảng thời gian từ tháng 3-5, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỹ bán ra một lượng vàng rất lớn nhằm củng cố đồng nội tệ Lira.

Tổng cộng trong 3 tháng từ 3-5 Thổ Nhĩ Kỳ bán 163 tấn nhằm giảm lượng đồng tiền Lira trong lưu thông, qua đó để chống lạm phát. Tuy nhiên, hoạt động bán vàng của Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ là ra thị trường trong nước để thu đồng Lira về.

vang2023oct wgc.gif
Hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương các nước trong năm 2023.

Cũng bắt đầu từ tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra các bước để hạn chế nhập khẩu vàng nhằm cải thiện tình trạng thâm hụt ở nước này sau khi nhu cầu vàng tăng cao khiến nhập khẩu vàng tăng vọt, gây áp lực lớn lên thâm hụt tài khoản vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong năm 2022, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua nhiều vàng nhất thế giới.

Trong tháng 10/2023, Ngân hàng Quốc gia Ba Lan mua thêm 6 tấn vàng, đưa tổng vàng mua ròng trong 10 tháng lên 100 tấn, qua đó đưa tổng vàng dự trữ của nước này lên 340 tấn. Còn Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ mua thêm 3 tấn vàng trong tháng 10, Cộng Hoà Séc mua 2 tấn…

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan bán ròng 11 tấn và tiếp theo là Kazakhstan bán ròng 2 tấn.

Thế giới vẫn tìm đến vàng, giá trong xu hướng uptrend

Có thể thấy, xu hướng chính của ngân hàng các nước trên thế giới trong 2 năm gần đây là mua ròng vàng một cách mạnh mẽ. Đó là theo con đường chính ngạch được các nước báo cho Hội đồng Vàng Thế giới. Trên thực tế, lượng vàng được nhập vào các nước có thể lớn hơn thế.

vang2023oct wgc nhtw.gif
Các ngân hàng trung ương mua/bán ròng nhiều nhất.

Trước đó, nhiều dự báo cho rằng, 2023 sẽ là năm ghi nhận hoạt động mua ròng vàng mạnh mẽ của ngân hàng trung ương các nước. Điều này đã xảy ra và thậm chí còn cao hơn so với đa số các dự báo.

Có thể thấy, các nước vẫn đang chạy đua nhập vàng và giá vàng được dự báo sẽ còn lên cao. Vàng còn được cho là có sự hỗ trợ mạnh mẽ của việc đồng USD yếu đi trong năm 2024 khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất trong năm tới.

Một số dự báo cho rằng, vàng thậm chí có thể tiếp cận mức 3.000 USD/ounce (khoảng 90 triệu đồng/lượng) trong năm 2024.

vangthegioidubao2024.gif
Giá vàng thế giới được dự báo tăng trong  năm 2024.

Trên Kitco, Stewart Thomson, Chủ tịch của Graceland Investment Management cho rằng, vàng có thể chững lại trong một hoặc hai tuần tới. Nhưng theo chuyên gia này, bất kỳ đợt giảm giá nào cũng sẽ được coi là cơ hội để mua trước khi thị trường giá lên năm 2024.

Stewart Thomson thậm chí cho rằng, 2024 sẽ là “năm vàng” đối với mặt hàng kim loại quý này.

Theo chuyên gia đến từ Graceland, lãi suất có thể xuống thấp cho tới tận năm 2026 hoặc 2027 trước khi Chính phủ Mỹ tạo ra làn sóng lạm phát lớn tiếp theo. Khi đó, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại và vàng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tuy nhiên, khi đó, vàng có lẽ đã ở mức trên 3.000 USD/ounce.