Truy xuất nguồn gốc hàng hóa ngày càng trở thành nhu cầu tất yếu

Phóng viên (PV): Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa có vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh: Việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa không phải là hoạt động mới đối với các doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp đã áp dụng bài bản các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế vào trong quy trình sản xuất sản phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát được chất lượng, độ an toàn và cũng là công cụ cho doanh nghiệp khi gặp vấn đề lỗi sản phẩm đã cung cấp ra thị trường thì có cách thức truy vết, thu hồi sản phẩm.

 Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh. Ảnh: QUANG DUY

Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng sản phẩm đều có nhu cầu tìm hiểu những thông tin nguồn gốc sản phẩm đó như thế nào để phòng tránh trường hợp sử dụng phải hàng giả, hàng nhái hoặc hàng kém chất lượng. Trước đây, với các tem, nhãn dán trên sản phẩm, thông tin rất giới hạn, không đầy đủ hoặc thông tin không chính xác. Ngày nay, các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc đã được phát triển rộng rãi để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua chiếc điện thoại thông minh. Từ đó, sản phẩm trên thị trường được kiểm soát chất lượng minh bạch, người tiêu dùng có niềm tin với sản phẩm của doanh nghiệp.

PV: Trong công tác truy xuất nguồn gốc hiện nay đang gặp những khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh: Khó khăn thứ nhất hiện nay là không phải doanh nghiệp nào cũng ứng dụng giải pháp công nghệ về truy xuất nguồn gốc, bảo đảm minh bạch thông tin cho người tiêu dùng. Thứ hai là có rất nhiều giải pháp về truy xuất nguồn gốc nhưng những giải pháp đó đã đúng bản chất về truy xuất nguồn gốc hay chưa, có thực sự cung cấp thông tin chính xác của doanh nghiệp và sản phẩm tới người tiêu dùng hay không thì đến nay chúng ta vẫn chưa kiểm soát được.

Chính vì vậy, Việt Nam phải có cách thức chuẩn hóa cả về mặt kỹ thuật và tiêu chuẩn đối với giải pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa để thống nhất triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta cần tìm hiểu các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc của nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Cần tìm hiểu yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa của thị trường xuất khẩu

PV: Theo đồng chí, doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để đáp ứng tốt công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh: Trước đây, doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, chỉ tập trung vào sản xuất. Khi thị trường nước ngoài đưa ra các hàng rào kỹ thuật, yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì doanh nghiệp không chứng minh được, khiến nhiều đơn hàng không xuất khẩu được. Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài cần xác định ngoài các yêu cầu khác thì phải tìm hiểu các nước đó có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hay không và những yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các quốc gia đó như thế nào.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, tham gia cùng cộng đồng doanh nghiệp cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc mà có thể gắn kết với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, vì cổng thông tin này đã được xây dựng phù hợp với chuẩn quốc tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp chứng minh với các nước nhập khẩu sản phẩm Việt Nam. Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc khi các quốc gia có yêu cầu về truy xuất nguồn gốc khắt khe hơn, doanh nghiệp cần liên hệ với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được hỗ trợ kịp thời.

PV: Hiện nay, cơ quan quản lý đang triển khai các giải pháp gì cho công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa Việt Nam, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Hoàng Linh: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai vào năm 2019. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21-1-2022, trong đó bổ sung quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa. Qua đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trong thống nhất quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc để có các cơ chế thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, ban hành hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch, thống nhất.

 Người dân TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tìm hiểu thông tin của các sản phẩm thân thiện với môi trường. Ảnh: QUANG DUY

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã chỉ đạo Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia đáp ứng theo các chuẩn mực quốc tế. Đây sẽ là công cụ, cầu nối gắn kết người tiêu dùng với doanh nghiệp và cũng là cầu nối gắn kết các giải pháp truy xuất nguồn gốc để tăng thêm giá trị hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng được hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia liên quan để hướng dẫn cho các doanh nghiệp áp dụng truy xuất nguồn gốc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LA DUY (thực hiện)