Sản phụ Q.T. T. H (24 tuổi, trú tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc) mang thai 39 tuần được gia đình đưa vào nhập viện ngày 7-8 khi xuất hiện triệu chứng đau tức bụng. Trước đó, ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, chị H. được phát hiện có tình trạng rau tiền đạo và được hướng dẫn theo dõi, quản lý thai nghén tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm, chị H. được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hưng – Trưởng khoa Sản 2 (Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ), đây là một trường hợp phẫu thuật lấy thai tương đối khó khăn do người bệnh đã có tiền sử mổ lấy thai 2 lần trước đó. Đồng thời tình trạng rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược của người bệnh rất nặng nề khi bánh rau đâm xuyên qua lớp cơ tử cung và xâm lấn vào thành bàng quang, đòi hỏi phẫu thuật viên phải có trình độ chuyên môn cao và các phương tiện hỗ trợ hiện đại.

Các bác sĩ phẫu thuật cứu sản phụ mắc rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược xuyên bàng quang.

Để tối ưu hiệu quả phẫu thuật, ê-kip mổ đã chuẩn bị kế hoạch, dự trù các phương tiện, vật tư chu đáo. Cùng với sự hỗ trợ tốt của ê-kip gây mê hồi sức, ca phẫu thuật có sự tham gia trực tiếp của bác sĩ Phạm Thái Hạ, Giám đốc Bệnh viện đã thành công tốt đẹp. Bé gái chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,5kg, sau sinh khóc ngay, phản xạ tốt.

Sau khi đón em bé ra ngoài, các bác sĩ tiếp tục thực hiện cắt tử cung bán phần, cắt lọc và khâu phục hồi bàng quang một lớp. Thách thức lớn nhất đối với phẫu thuật viên trong trường hợp này là phải làm sao để kiểm soát chảy máu, gỡ dính, cắt tử cung bán phần mà không gây chảy máu sau khi lấy thai, không gây tổn thương các cơ quan lân cận. Quá trình phẫu thuật, sản phụ được truyền 2.500 ml khối hồng cầu và 750ml huyết tương tươi đông lạnh. Sau phẫu thuật, hiện sản phụ đang được chăm sóc tại khoa Hồi sức tích cực chống độc với tình trạng ổn định. Sản phụ tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn cháo bình thường và được điều trị bằng kháng sinh liều cao kết hợp. 

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu thai phụ được chẩn đoán có tình trạng rau tiền đạo trung tâm, rau cài răng lược cần thực hiện khám thai tại bệnh viện chuyên khoa với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời, khi sinh con cũng nên đến bệnh viện có khả năng phẫu thuật chuyên sâu để được chẩn đoán chính xác và có kế hoạch can thiệp phù hợp, làm giảm tỷ lệ mất máu nhiều và diễn biến nặng của bệnh.

Tin, ảnh: MINH ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.