Giá dầu thế giới

Triển vọng tăng lãi suất của các ngân hàng lớn trên thế giới tiếp tục là nhân tố đẩy giá xăng dầu lao dốc trong tuần này bởi lãi suất tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Giá xăng dầu đang lập lại kịch bản của tuần trước? Ảnh minh họa: Foxbusiness

Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm xấp xỉ 50 cent, đảo ngược đà tăng mạnh ở hai phiên giao dịch cuối tuần trước. Liệu kịch bản giá trong tuần này có lặp lại tuần trước khi giá dầu lao dốc đầu tuần, bứt tốc ở những phiên giao dịch cuối cùng và đánh dấu tuần tăng giá? Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng dầu tăng giá vẫn cao trong bối cảnh cung yếu, cầu chưa cao.

Tuần trước, giá dầu đã trải nghiệm tuần tăng đầu tiên sau hai tuần “lao dốc không phanh” với dầu Brent tăng 2,4% và dầu WTI tăng 2,3%.

Đáng chú ý là tại các phiên giao dịch, giá dầu đã tăng, giảm khá mạnh chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc hạ dự báo giá dầu của Goldman Sachs, tín hiệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào cuối năm, dự trữ xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng mạnh, hy vọng nhu cầu tăng ở Trung Quốc, việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC+, xuất khẩu và sản lượng dầu của Iran tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cụ thể, Goldman Sachs dự báo giá dầu thô Brent tháng 12 giảm xuống mức 86 USD/thùng và giá dầu WTI xuống mức 81 USD/thùng, giảm mạnh so với dự báo trước đó.

Trong tuần trước, mặc dù Fed quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng phát biểu của chủ tịch Fed sau đó đã phát đi tín hiệu về khả năng Fed có thể sẽ tăng thêm 50 điểm phần trăm chi phí đi vay vào cuối năm nay.

Quyết định của Fed đã khiến đồng USD giảm mạnh, hỗ trợ giá dầu tăng cao.

Trong khi Fed giữ nguyên lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lên mức 3,5% – mức cao nhất trong 22 năm. Đây là mức tăng lãi suất lần thứ 8 của ECB kể từ tháng 7-2022 nhằm ứng phó với lạm phát cao kéo dài.

 Giá xăng dầu giảm ở đầu phiên giao dịch đầu tuần. Ảnh minh họa: Oilprice

Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 8 triệu thùng, mức tăng “khủng” so với dự báo giảm 500.000 thùng của các nhà phân tích.

Đáng chú ý là dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy sản lượng lọc dầu của nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới này trong tháng 5 đã tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định trong nửa cuối năm nay, theo Giám đốc điều hành của Kuwait Petroleum Corp.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 19-6 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.878 đồng/lít.

Xăng RON 95 không quá 22.015 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 18.028 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.823 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 14.719 đồng/kg.

Giá xăng dầu thế giới tuần qua bật tăng, vì vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp bán lẻ trong nước dự báo, tại kỳ điều hành giá ngày 21-6 của liên Bộ Tài chính – Công Thương, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tăng trong khoảng 100-200 đồng/lít (kg), có thể cao hơn. Mức điều chỉnh phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và các loại phí có điều chỉnh khác nếu có và diễn biến của giá xăng dầu thế giới trong ngày hôm nay (19-6) và ngày mai (20-6).

Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 17 lần điều chỉnh, trong đó 9 lần tăng, 6 lần giảm, và 2 lần giữ nguyên.

Trong lần điều chỉnh gần đây nhất (12-6), giá xăng giữ nguyên và giá dầu tăng nhẹ.

MAI HƯƠNG