Lần đầu tiên, “tư lệnh” ngành giáo dục tổ chức cuộc gặp dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến để nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của “người trong nhà” trước thềm năm học mới. Trong số hơn 6.500 câu hỏi được gửi về, gần 1/3 số đó bày tỏ về mức lương không đủ sống, không đủ để trụ được với nghề.

Gần hai thập kỷ trôi qua, kể từ khi còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, năm 2006, ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố: “Năm 2010, giáo viên có thể sống được bằng lương”, một lời hứa khiến gần 800.000 giáo viên cả nước lúc đó tràn đầy hy vọng. Năm 2010, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng nói: “Đã đề xuất cải cách lương giáo viên”. 5 năm sau, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ lại chia sẻ: “Lương giáo viên là món nợ mà tôi day dứt”. Tới tháng 4-2021, bức tâm thư gửi tới toàn ngành giáo dục của tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục bày tỏ: “Tôi mong đời sống người giáo viên được cải thiện hơn”. Đến giờ, cả nước có khoảng 1,6 triệu giáo viên và ước vọng “sống được bằng lương” của họ vẫn ở đâu đó trong tương lai.

Toàn cảnh cuộc đối thoại, gặp gỡ trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ GDĐT với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành. Ảnh: VTV 

Năm 1996, Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 đã khẳng định: Lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp tùy theo tính chất công việc. Năm 2013, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tiếp tục khẳng định lại quan điểm này.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình của người lao động Việt Nam năm 2022 là 6,7 triệu đồng/tháng. Trong khi mức lương trung bình của giáo viên chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đây là nguyên nhân khiến “làn sóng” giáo viên nghỉ việc dâng cao thời gian vừa qua.

Phải nhìn nhận một thực tế, lương giáo viên trong thang bảng lương chung hiện nay so với viên chức cùng loại là tương đương. Nhưng với vai trò quan trọng trong việc giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội, mức lương đó chưa tương xứng với công việc và trách nhiệm mà họ phải gánh vác.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại cho thấu đáo. Hiện số lượng người trong ngành giáo dục hưởng lương chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Bởi vậy, một thay đổi nhỏ cũng dẫn tới ảnh hưởng lớn. Mong muốn thì nhiều, nhưng có lẽ con số phụ cấp ưu đãi tăng lên 10% cho giáo viên mầm non và 5% cho giáo viên tiểu học dù mới là dự kiến nhưng đó cũng là lời Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ có thể hứa lúc này. Đây là những nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị nhằm thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên.

Giải quyết vấn đề này, việc tăng lương giáo viên không nên mặc nhiên coi là nhiệm vụ của Trung ương, của ngành giáo dục, mà cũng là một nhiệm vụ của các địa phương. Nếu cứ luẩn quẩn mãi trong việc tìm giải pháp tăng lương giáo viên bằng ngân sách, chúng ta sẽ dễ rơi vào cảnh “lực bất tòng tâm”. Câu chuyện thu nhập của giáo viên là bài toán mà cả giáo dục công và tư có thể cùng giải quyết. Khi giáo dục tư nhân được khuyến khích phát triển, áp lực trả lương trong khu vực công vì thế được giảm bớt. Đặc biệt, cần hướng tới xây dựng bảng lương giáo viên theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo. Giáo viên sẽ có động lực làm việc tốt hơn khi được trả lương xứng đáng với vị trí, vai trò của mình.

Hy vọng những trăn trở cải cách tiền lương của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ không chỉ là lời hứa trong nhiệm kỳ của mình.

THÁI AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.