Cường quốc kinh tế

Từ đống tro tàn của chiến tranh, Hàn Quốc đã dần đứng dậy và vươn mình trở thành một trong những nền kinh tế lớn của thế giới và có sức ảnh hưởng sâu rộng, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Sau giai đoạn chiến tranh 1950-1953, nền kinh tế Hàn Quốc đã trở nên kiệt quệ. Cuộc sống của người dân khó khăn với thu nhập bình quân đầu người vẻn vẹn 64 USD/năm và không còn tài nguyên thiên nhiên để phục hồi kinh tế. Thành phố Seoul bị tàn phá nghiêm trọng, 30% nhà cửa, 70% nhà máy và các toà nhà thương mại, công trình công cộng bị phá huỷ. Thiệt hại ước tính lên tới 410 tỷ USD. 

Từ một nền kinh tế phụ thuộc, Hàn Quốc đã vượt lên trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 trên thế giới trong nhiều năm. Ảnh: Bloomberg 

Thậm chí, ở thập niên 1960, kinh tế Hàn Quốc còn không có triển vọng hồi phục và hoàn toàn phụ thuộc vào nông sản và viện trợ nước ngoài từ Mỹ. Tuy nhiên, những gói viện trợ của Mỹ cũng không thể giúp quốc gia châu Á này cải thiện đà tăng trưởng và mức sống của người dân. GDP bình quân đầu người vẫn chỉ tương đương với những nước nghèo ở châu Phi và châu Á.

Tuy nhiên, chỉ trong vài thập kỷ, Hàn Quốc đã trở mình nhanh chóng với những kế hoạch lớn để vực dậy nền kinh tế. Khi đó, Nội các Hàn Quốc đã sử dụng thuật ngữ “Kỳ tích sông Hàn” để nhấn mạnh đà bứt tốc mạnh mẽ của quốc gia này sau chiến tranh. 

Từ đống tro tàn của chiến tranh, quốc gia này bắt đầu quá trình tăng trưởng mạnh mẽ và liên tục nhờ các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển ngành công nghiệp nặng và hiện đại hóa nhanh chóng. Từ một nền kinh tế kiệt quệ sau chiến tranh, vào đầu những năm 1990, Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế và là một trong 4 “con rồng châu Á”. 

Với chiến lược đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, bao gồm tận dụng tối đa nguồn lao động giá rẻ, duy trì lãi suất cao và các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài, tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc tăng từ 32 triệu USD vào năm 1960 lên 10 tỷ USD năm 1977. Tổng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu của nước này chạm ngưỡng 494 tỷ USD vào năm 2016 và đạt 542,2 tỷ USD vào năm 2019. Từ một nền kinh tế phụ thuộc, Hàn Quốc đã vượt lên trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 7 trên thế giới trong nhiều năm.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP Hàn Quốc năm 1960 chỉ vỏn vẹn 3,957 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 1985, GDP quốc gia này lần đầu vượt ngưỡng 100 tỷ USD và tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. 21 năm sau, GDP Hàn Quốc vượt mốc 1.000 tỷ USD và đạt 1.619 tỷ USD vào năm 2018.

Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, Hàn Quốc đã duy trì một nền kinh tế ổn định và đạt được tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc là 6,3%. Sự tăng trưởng này được các cơ quan truyền thông nước ngoài đánh giá là một ví dụ điển hình để vượt qua khủng hoảng.

Trong năm 2020, kinh tế Hàn Quốc bước vào năm tăng trưởng tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, nhờ các gói kích cầu, kinh tế quốc gia Đông Á này đã nhanh chóng phục hồi và đạt mức tăng trưởng 4,1% vào năm 2021 và 2,6% vào năm 2022. Theo dự báo được công bố trong tháng 10-2022 của IMF, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt 2% vào năm 2023.

Từ mức thu nhập đầu người vẻn vẹn 64 USD/năm, 52 triệu người dân Hàn Quốc giờ đã kiếm được trung bình 35.000 USD/năm, gần bằng thu nhập của người Italy và cao hơn nhiều so với người dân Iberia.

Với sự chuyển mình ngoạn mục, WB còn đánh giá sự vươn lên bất ngờ của quốc gia này trong những thập kỷ qua là một “Kỳ tích Đông Á”. Quốc gia này được đánh giá là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của châu Á.

“Sức mạnh mềm” của Hàn Quốc

Từ bệ phóng kinh tế, Hàn Quốc đẩy mạnh quảng bá, phát triển văn hóa và có tham vọng đưa văn hóa và ẩm thực truyền thống Hàn Quốc cạnh tranh ra toàn cầu. Xuất khẩu văn hóa là một trong “sức mạnh mềm” (thuật ngữ nói đến các phương cách phi truyền thống mà một quốc gia sử dụng nhằm tạo ảnh hưởng) được Hàn Quốc đẩy mạnh trong những thập kỷ qua.  

Với chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa một cách cực kỳ bài bản, chỉ trong vài thập niên, văn hóa Hàn Quốc tràn ra toàn cầu, với âm nhạc, phim điện ảnh, phim truyền hình, và cả phong cách thời trang, giải trí. Văn hóa Hàn Quốc nhanh chóng được quảng bá ra thế giới và “len lỏi” vào đời sống của người dân của nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Quốc gia này đã trở thành là một trong top 10 quốc gia xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới.   

Ngày nay, ngoài “K-Wave” (làn sóng Hàn Quốc hay Hallyu-Hàn lưu), các bộ phim truyền hình Hàn Quốc cũng đã được rộng rãi đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những ngôi sao điện ảnh và truyền hình xứ Hàn là thần tượng và có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Văn hóa cũng được xem là sức mạnh của Hàn Quốc. Ảnh: Reuters 

Ngoài văn hóa, ẩm thực Hàn Quốc cũng là một điểm nhấn. Những món ăn nổi tiếng như kimchi, bibimbap, naengmyeon, kimbab, tteokbokki đã vượt ra ngoài biên giới Hàn Quốc để đến với nhiều quốc gia trên toàn cầu và trở thành món ăn yêu thích của rất nhiều người.

Hàn Quốc còn có vị trí đáng kể trên bản đồ thể thao thế giới. Đội tuyển quốc gia Hàn Quốc từng xếp hạng 4 tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá World Cup 2002. Tại Thế vận hội mùa hè 2012 ở London, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc thể thao đứng thứ 5 trên thế giới. Quốc gia này cũng từng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn như Đại hội thể thao châu Á năm 1986, 2002 và 2014 và Đại hội thể thao Mùa đông Châu Á năm 1999, Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup 2002.

Quân sự

Quân sự cũng là một trong những thế mạnh của Hàn Quốc. Ở giai đoạn đầu của Chiến tranh Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc hầu như không có vũ khí gì đáng kể và chủ yếu dựa vào viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi hiệp định đình chiến được ký, quân đội Hàn Quốc phát triển đáng kể nhờ sức mạnh kinh tế.

Từ một quốc gia nhập khẩu vũ khí, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Theo thống kê từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) về chuyển giao vũ khí toàn cầu, Hàn Quốc đã vươn lên xếp thứ 9 trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới trong giai đoạn 2016-2020, chỉ xếp ngay sau Israel và trên nhiều quốc gia khác như Italy, Hà Lan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ một quốc gia nhập khẩu vũ khí, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.  

Mức tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của quốc gia này trong giai đoạn 2016-2020 tăng 210% so với giai đoạn 5 năm trước đó, chiếm 2,7% tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Đây được đánh giá là mức tăng trưởng lớn nhất trong số 20 quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng của quốc gia Đông Á này cũng đã tăng lên mạnh mẽ từ 250 triệu USD trong năm 2006 lên khoảng 3,2 tỷ USD trong năm 2017.

Đặc biệt hơn, riêng năm 2020, Hàn Quốc chiếm vị trí thứ 6 trong Top các quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, tăng 25 bậc so với năm 2000. Các thống kê chỉ ra, hơn ½ (55%) số mặt hàng xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Seoul trong giai đoạn 2016-2020 được xuất sang các thị trường châu Á và Châu Đại Dương; 23% xuất sang châu Âu; và 14% sang quốc gia Trung Đông.

 TRẦN HOÀI (Tổng hợp)