Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ – Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ – Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chủ trì Hội nghị.

Trình bày dự thảo Báo cáo giám sát Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, bà Nguyễn Quỳnh Liên nêu rõ, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Luật Bầu cử năm 2015 đã cụ thể hóa cơ bản quyền ứng cử, bầu cử của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013, có những bước đổi mới cơ bản trong quy trình tổ chức bầu cử để bảo đảm thực hiện hiệu quả, thực chất. 

 Tiến sĩ Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ – Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) chủ trì Hội nghị. Ảnh: daidoanket.vn

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật và qua thực tiễn hai cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (2016-2021 và 2021-2026) cho thấy, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, có thể ảnh hưởng tới hiệu quả và chất lượng của bầu cử đại biểu Quốc hội.

Từ thực tế triển khai, các đại biểu tham dự Hội nghị bày tỏ đồng tình với những đề xuất sửa đổi các quy định cụ thể của Luật Bầu cử 2015. Theo đó, cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhất là đối với đại biểu hoạt động chuyên trách, từ đó lựa chọn được những người thực sự tiêu biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời khắc phục tình trạng có sự chênh lệch quá rõ về năng lực, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác giữa những người ứng cử.
Nhiều đại biểu cho rằng cần sửa đổi, bổ sung các quy định về hiệp thương giới thiệu người ứng cử trong Luật Bầu cử năm 2015 theo hướng: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ dự kiến về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi cơ quan, tổ chức ở Trung ương và mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà không dự kiến về cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử. Trong cơ cấu tổng thể đại biểu Quốc hội mỗi khóa cần có cơ cấu đại biểu là người tự ứng cử với một tỷ lệ hợp lý tương tự như cơ cấu đại biểu là người dân tộc thiểu số và phụ nữ đã được quy định trong Luật Bầu cử 2015.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan hướng dẫn việc giới thiệu người ứng cử. Việc cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ai (cấp trưởng, cấp phó hay ủy viên) Mặt trận không can thiệp, miễn là người đó có đủ các tiêu chuẩn và điều kiện ứng cử theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân bổ người ứng cử phải giới thiệu có số dư, không giới thiệu “tròn” như hiện nay. Theo đó, với mỗi cơ cấu cần giới thiệu ít nhất hai người ứng cử để Mặt trận hiệp thương lựa chọn một người, sau đó đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử…
Các ý kiến cũng cho rằng cần quy định rõ hơn với việc tổ chức tiếp xúc cử tri nơi cư trú hoặc nơi công tác đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trước hội nghị hiệp thương lần thứ ba để chốt danh sách người ứng cử theo hướng: trong trường hợp người tự ứng cử được dưới 50% tổng số cử tri tại nơi cư trú (hoặc nơi công tác) đồng ý thì không tổ chức hội nghị cử tri tại nơi công tác (hoặc nơi cư trú). Việc quy định như vậy sẽ tránh phải tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến cử tri và tạo thuận lợi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc tổng hợp kết quả và tổ chức các hội nghị.

Tiếp thu ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường khẳng định, những góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học là những nội dung quan trọng, góp phần hoàn thiện dự thảo Báo cáo giám sát Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu tiếp thu, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.