Lấy điện ảnh để kích cầu du lịch

Những ngày hè tháng 6, tỉnh Khánh Hòa đón hàng trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Để duy trì lượng du khách ổn định, các cơ quan quản lý nhà nước đã tổ chức nhiều chương trình quảng bá du lịch rộng rãi. Một trong những điểm nhấn là Festival biển Nha Trang-Khánh Hòa năm 2023, cùng chuỗi sự kiện trong Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 lần đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức.

Đây là sự kiện được những người làm du lịch và điện ảnh rất mong đợi. Bởi thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam đã chứng minh, điện ảnh là kênh quảng bá hữu hiệu cho các điểm đến du lịch. Sau mỗi thành công của các tác phẩm điện ảnh thì những nơi từng là bối cảnh trong phim trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách. Do vậy, du lịch và điện ảnh cùng bắt tay, cùng có tiếng nói chung thì không những điện ảnh sẽ phát triển mạnh mẽ mà du lịch cũng có cơ hội bứt phá.

 Ca sĩ Bùi Lan Hương thể hiện ca khúc “Ngày chưa giông bão” trong bộ phim “Người bất tử”, tại Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023.

Thời gian qua, Việt Nam được một số nhà sản xuất phim trên thế giới quan tâm, tìm hiểu và đến làm phim. Gần đây nhất là bộ phim “Hành trình tình yêu của một du khách” do Netflix quay tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) và Hà Giang. Chỉ trong hai tuần sau khi phát hành, bộ phim đã vươn lên vị trí số 1 trong bảng xếp hạng tốp 10 toàn cầu cho phim tiếng Anh với 20,92 triệu giờ xem. Bộ phim cũng lọt vào tốp 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như tại 89 quốc gia trên nền tảng của Netflix. Một số tờ báo quốc tế nhận định, đây là bộ phim quảng cáo hoàn hảo cho du lịch Việt Nam, mang đến cho khán giả cái nhìn mới về Việt Nam-đất nước xinh đẹp, hấp dẫn với vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa độc đáo và con người thân thiện.

Ở trong nước, sự tác động của điện ảnh đến sự phát triển du lịch được thấy rất rõ. Đồng chí Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ: “Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã tác động mạnh mẽ đến công chúng về hình ảnh Phú Yên. Số lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tăng đột biến. Từ đó, nghĩ đến Phú Yên, công chúng, du khách nghĩ ngay đến thương hiệu đặc sắc của địa phương là xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”.

Tỉnh Hà Giang cũng không phải ngoại lệ, sau khi các bộ phim “Chuyện của Pao”, “Cha cõng con”, “Bầu trời đỏ”, được lấy bối cảnh trong tỉnh thì danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa Hà Giang được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Qua những bộ phim, nhiều người muốn đến xem cao nguyên đá Đồng Văn, tìm hiểu đời sống văn hóa với nhiều lễ hội độc đáo như nhảy lửa, kéo chày, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội lồng tồng… Đã có thời điểm, sau các bộ phim, du lịch Hà Giang tăng trên 350%. Vì vậy, chúng ta cần lấy điện ảnh để phát triển du lịch và lấy du lịch để tiếp tục phát triển điện ảnh”.

Hai ca sĩ Ái Phương và Hoàng Dũng trong bản mashup Từ đó-Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh-Cô gái đến từ hôm qua, tại Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Không ít trăn trở của những người tâm huyết, có trách nhiệm với lĩnh vực điện ảnh, du lịch đã cho thấy rõ một thực tế, dù là quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng, nhưng so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài đến sản xuất. Việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có. Nhiều chuyên gia nhận định, lâu nay, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch… đều đi một mình một đường.

Bà Phan Cẩm Tú, đại diện Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng: “Nền điện ảnh cũng như ngành du lịch của Việt Nam đã có sự tiến bộ rõ rệt trong những năm qua. Tuy nhiên, chúng ta còn thiếu những thứ khá đơn giản, như lời mời cụ thể, cách làm cụ thể với các bạn nước ngoài. Ví dụ, TP Nha Trang có nhiều khách sạn, cảnh đẹp, nếu chúng ta mời các bạn quốc tế về làm phim thì có chính sách giảm giá nơi ở, hỗ trợ tìm hiểu, nghiên cứu cụ thể như thế nào? Làm rõ điều này, chắc chắn sẽ có sự thu hút mạnh mẽ trong thời gian tới”.

 Các đại biểu trao đổi tại hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023.

Trao đổi về kinh nghiệm làm việc tại Hàn Quốc, ông Justin Kim, Giám đốc điều hành của CJ ENM Việt Nam chia sẻ, ở Hàn Quốc, các nhà làm phim nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các địa phương, từ chỗ ăn ở cho đến tiền mặt. Bởi, qua mỗi bộ phim giúp địa phương thu hút lớn lượng khách du lịch. Bối cảnh trong phim và sự xuất hiện của các diễn viên nổi tiếng là “lực hút” để phát triển du lịch. Để xác định tiêu chí trong tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất phim tại địa phương, khi lựa chọn vị trí, địa điểm làm phim, cần đến các yếu tố như tính sẵn có của cơ sở vật chất, nhân sự, cảnh quan đẹp, khác biệt, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Trong đó, cần cải thiện các thủ tục hành chính để các đoàn làm phim có điều kiện tiếp cận nhanh chóng và thuận lợi.

Một trong những hạn chế tại Việt Nam ảnh hưởng đến quá trình sản xuất phim là chưa phát triển mạnh mẽ nguồn lực và chiến lược quảng bá đất nước đến các đoàn làm phim quốc tế. Do đó, ít nhà làm phim quốc tế biết đến cơ hội và tiềm năng quay phim tại Việt Nam. Cùng với những quy định pháp lý khá chồng chéo, quá trình xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, công sức, gây tăng chi phí và làm chậm tiến độ của các dự án sản xuất phim.

Bà Đinh Thị Thanh Hương, Chủ tịch điều hành Galaxy Studio đề xuất một số giải pháp để đẩy mạnh phát triển điện ảnh với quảng bá du lịch là cần số hóa du lịch, điện ảnh bằng việc xây dựng cổng thông tin tập trung hỗ trợ đa ngôn ngữ và minh bạch giúp các đoàn làm phim trong nước, quốc tế được tiếp cận những thông tin mới nhất và bối cảnh đẹp tại Việt Nam. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tích hợp các loại giấy phép con trong một loại giấy phép lớn, liên kết đa ngành để tạo thuận lợi cho việc cấp giấy phép. Ngoài ra, cần có hỗ trợ chính sách thuế và tài chính cho các đoàn làm phim, chính quyền địa phương cần kết hợp với các đoàn làm phim tăng cường truyền thông địa điểm để thu hút khách.

Để đẩy mạnh hợp tác gắn điện ảnh với quảng bá du lịch, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Cần giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp nhằm tăng tính cạnh tranh như, tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam; chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phí; miễn giảm chi phí lưu trú, vé vào danh lam thắng cảnh; thu hút đầu tư xây dựng phim trường chuyên nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp du lịch và các đoàn làm phim để khai thác hiệu quả du lịch từ điện ảnh; đồng bộ giữa kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch với kế hoạch sản xuất phim, các hoạt động triển lãm.

Bài và ảnh: VŨ DUY HIỂN