Hợp tác với các viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới

14 năm gắn bó với FPT, trải qua nhiều vị trí từ chuyên gia công nghệ  tới CTO (giám đốc công nghệ) một công ty thành viên của FPT, hiện tại, ông Vũ Hồng Chiên đang gánh trọng trách xây dựng mảng AI (trí tuệ nhân tạo) tại Quy Nhơn.

Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn (Ảnh: FPT)

“Trước khi tham gia FPT, tôi đã làm cho Microsoft. Một trong những khát vọng lớn nhất của tôi khi làm chuyên gia công nghệ là phải đưa được công nghệ vào đời sống để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, từ việc hỗ trợ học tập cho học sinh, sinh viên, đến việc hỗ trợ người ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn… Bước chân vào FPT, tôi vẫn giữ khát vọng đó. Đến khi thành lập Trung tâm AI thì có vẻ ước mơ của tôi có thể thành hiện thực”, ông Chiên kể.

Với sứ mệnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt, bên cạnh việc tự tạo sản phẩm công nghệ, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn còn mong muốn phổ biến được các công nghệ mới của thế giới như AI đến cộng đồng, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt, giúp thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư về Việt Nam, tạo nhiều công ăn việc làm hơn nữa cho người dân.

“Ngay từ khi thành lập, chúng tôi xác định mình chưa thật sự giỏi về nghiên cứu nên phải kết hợp với các viện nghiên cứu trên thế giới để học hỏi họ. Chúng tôi đã kết hợp rất tốt với Mila – viện nghiên cứu về AI lớn nhất trên thế giới, và đặc biệt là Google. Từ năm 2021, chúng tôi phối hợp với Google thực hiện dự án nghiên cứu để hỗ trợ nông dân châu Phi. Cho đến giờ, khoảng hơn 2 triệu nông dân châu Phi đang sử dụng sản phẩm của chúng tôi. Cuối năm 2022, Google đánh giá rất cao sản phẩm đó và có trao tặng giải thưởng cho chúng tôi. Hiện chúng tôi vẫn đang phối hợp với Google rất nhiều dự án nghiên cứu”, ông Chiên khoe.

Bản chất của AI là Toán học, và tại FPT AI Quy Nhơn đang có khá nhiều chuyên gia về Toán học. Doanh nghiệp công nghệ Việt đã có một số bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học quốc tế. Điển hình như năm trước có 1 bài báo về ứng dụng Computer Vision (thị giác máy tính) trong khám sàng lọc ung thư, được xuất bản trên tạp chí khoa học lớn nhất thế giới.

“Dự kiến đến năm 2030, chúng tôi sẽ là một trong những trung tâm về AI hàng đầu của khu vực ASEAN. Hiện nay, tại Quy Nhơn đã có Đại học FPT chuyên về phân hiệu AI, có Trung tâm AI, và tôi cũng đang thúc đẩy hợp tác với một số viện nghiên cứu trên thế giới để xây dựng Viện AI của FPT ở Quy Nhơn. Hiện chúng tôi đã phối hợp với Viện Mila cũng như Viện Google… để thực hiện một số dự án nghiên cứu, học được một số công nghệ mới. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2027 có thể cùng những viện đó thành lập Viện AI ở Quy Nhơn”, Giám đốc FPT AI Quy Nhơn chia sẻ thêm.

Bên cạnh việc tự tạo sản phẩm công nghệ, đội ngũ FPT AI Quy Nhơn còn muốn phổ biến công nghệ mới của thế giới đến cộng đồng (Ảnh: FPT)

Đăng ký bằng sáng chế thế giới 

“Về lĩnh vực nghiên cứu, với Explainable AI (AI giải thích), tôi khá tự hào nói rằng chúng tôi rất giỏi, được đánh giá cao trên thế giới. Chúng tôi đã đăng ký phương pháp giải thích 1 model AI vận hành thế nào, vì sao nó đưa ra được kết quả như thế. Chúng tôi đã đăng ký bằng sáng chế trên thế giới về phương pháp này”, ông Chiên hồ hởi nói.

Explainable AI giúp giải quyết được rất nhiều việc, đặc biệt trong những lĩnh vực về tài chính, y tế, bảo hiểm… Các bác sĩ hoặc các nhà bảo hiểm không thể chấp nhận việc 1 model AI đưa ra kết quả mà người ta không giải thích được. 

Với hầu hết mọi người, 1 model AI là 1 black-box (hộp đen). Trước kia, người dùng đưa dữ liệu vào và AI trả ra kết quả, người dùng không thể biết vì sao lại có kết quả như vậy. Bây giờ, Explainable AI sẽ giải thích rõ kết quả.

Quá trình nghiên cứu Explainable AI giúp đội ngũ FPT AI Quy Nhơn hiểu kiến trúc, đặc điểm, đặc thù của model AI với bài toán cụ thể, giảm thiểu rất nhiều chi phí liên quan tới việc phát triển, xây dựng 1 model AI. 

“Khi xây dựng 1 model AI, chi phí cho người lập trình để tạo ra model AI không lớn, mà chi phí lớn nhất nằm ở việc làm sao có dữ liệu để huấn luyện cho model AI đó. Explainable AI giúp giảm rất nhiều chi phí liên quan đến việc làm dữ liệu. Thay vì cần 1 triệu bản ghi để tạo model AI có độ chính xác 95%, thì chúng tôi chỉ cần 1.000 bản ghi thôi”, ông Chiên phân tích.

Sau 3 năm thành lập, bên cạnh việc cung cấp giải pháp về AI cho khách hàng, FPT AI Quy Nhơn đã phát triển, triển khai khá tốt một số sản phẩm trên thế giới, đặc biệt là ở Nhật, Canada, Mỹ, Pháp, Đức…, gần đây quay về triển khai tại Việt Nam.

Một trong những sản phẩm “đinh” là camera ứng dụng AI có tên akaCam đã triển khai cho khoảng 20 nhà máy, cùng một số ngân hàng như ACB, TPBank, Techcombank…, và một số nhà bán lẻ như Phát Retail…

akaCam đã được triển khai cho khoảng 20 nhà máy cùng một số ngân hàng và nhà bán lẻ (Ảnh: FPT)

Các nhà máy cần ứng dụng AI để công nhân tuân thủ quy trình, đảm bảo an toàn lao động. AI sẽ nhanh chóng phát hiện và cảnh báo hành vi vi phạm an toàn lao động.

Với khả năng không chỉ đơn giản nhận diện đối tượng mà còn phân tích cả hành vi của đối tượng, akaCam được ứng dụng cho nhà máy tôm Việt – Úc, giám sát và chấm điểm hành vi cho tôm ăn (cách đổ thức ăn có thể ảnh hưởng xấu tới chất lượng tôm nếu công nhân không tuân thủ đúng quy định).

akaCam cũng đã được ứng dụng tại hộ gia đình nhằm phát hiện trộm cắp đột nhập, hoặc hỗ trợ người già, trẻ nhỏ kịp thời khi có sự cố; ứng dụng cho các chuỗi cửa hàng, văn phòng giao dịch của ngân hàng… để phân luồng chăm sóc khách hàng, tạo trải nghiệm tốt nhất cho từng khách hàng.

Trường hợp điển hình khác đã phát huy hiệu quả cao của akaCam trong thực tế là một nhà máy sản xuất ô tô khá nổi tiếng. Ông Chiên cho hay: “Đánh giá chất lượng bề mặt máy là công việc rất phức tạp bởi có nhiều rãnh dầu trong đó. Bình thường khi sản xuất xong mặt máy, 4 công nhân sẽ phải đứng kiểm tra mặt máy, dùng kính lúp soi rãnh xem có vết bong nhôm hay không (quy định không được lớn hơn 0,06mm). Chúng tôi đã thiết kế hệ thống cụm camera công nghiệp ứng dụng AI trên dây chuyền sản xuất, khi mặt máy đi qua sẽ chụp mấy trăm ảnh, kiểm tra tất cả các khe để xem có vấn đề lỗi không. Sản phẩm đã triển khai cho các nhà máy của khách hàng ở toàn bộ khu vực châu Á. Sau khi triển khai xong, gần như không còn công nhân phải kiểm tra nữa”.

Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu lớn từ các doanh nghiệp, nhất là nhà máy, công ty liên quan tới mảng logistics, bán lẻ, về việc tối ưu hóa chi phí vận hành, tháng 7 năm trước, FPT AI Quy Nhơn triển khai giải pháp tối ưu hóa. Phát Retail đã ứng dụng giải pháp này nhằm tối ưu việc luân chuyển hàng hóa của Uniqlo trên toàn cầu.

Ngoài ra, doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đã đầu tư nghiên cứu và có sản phẩm riêng về Edge Computing (điện toán biên). 

“Để 1 giải pháp AI chạy được, cần có hệ thống GPU (bộ xử lý đồ hoạ – mạch điện tử có khả năng thực hiện các phép toán ở tốc độ cao) đủ mạnh, đặc biệt, đối với những giải pháp cần xử lý gần như ngay tức thì theo thời gian thực. Triển khai 1 giải pháp AI thì chi phí hạ tầng rất lớn. Đây cũng là một trong những trăn trở của chúng tôi khi phát triển sản phẩm. Rõ ràng sản phẩm của mình rất tốt, giới thiệu thì khách hàng chấp nhận ngay nhưng rồi lại không dám triển khai nữa vì chi phí rất lớn. Dẫu sao, về cơ bản, khi đã có Explainable AI, chúng ta có thể tối ưu và đảm bảo độ chính xác rất tốt, nhờ thế, phần chi phí hạ tầng giảm đi rất nhiều”, ông Chiên nhận định.

Theo báo cáo của PwC, AI có tiềm năng đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. AI giúp tự động hóa các quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động lên tới 40%, đồng thời tạo ra các công cụ hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, chẳng hạn, tỷ lệ chẩn đoán ung thư có thể lên tới 90%, cao hơn 10% so với bác sĩ”. 

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, AI có thể thay thế 85 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2025. Sự phát triển vượt bậc của AI cũng làm dấy lên lo ngại về vấn đề đạo đức, an ninh mạng, và quyền riêng tư. Ví dụ, công nghệ Deepfake có thể tạo ra video giả mạo cực kỳ chân thật, tiềm ẩn nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch và thao túng dư luận.

Quyết định số 127 ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ký hồi tháng 1/2021 đặt một số mục tiêu khá cao: Đến năm 2025, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Xây dựng được 5 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực….

Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng về AI khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng chung của toàn cầu thì tụt 4 hạng từ 55 xuống 59.

Bình Minh – Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/fpt-muon-xay-dung-quy-nhon-thanh-thung-lung-ai-cua-khu-vuc-2283833.html