Buổi lễ ra mắt cuốn sách do Nhà xuất bản Wiljo Heinen ở Berlin thực hiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Đức, những người quan tâm tới Việt Nam và cuộc chiến tranh chính nghĩa chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, ông Chu Tuấn Đức đã tham dự sự kiện này.

Cuốn sách là những ghi chép và hình ảnh chân thực mà chính tác giả thu thập được về cuộc chiến tranh ở Việt Nam năm 1972, khi ông Kapfenberger đang là phóng viên thường trú hãng thông tấn ADN của CHDC Đức và báo “Nước Đức mới” (Neues Deutschland) tại Hà Nội.

Nhà báo kỳ cựu người Đức Hellmut Kapfenberger trò chuyện trong buổi ra mắt sách mới.

Tác phẩm dày 256 trang là những tổng hợp, ghi chép, đánh giá, được trình bày sinh động với 36 bức ảnh minh họa mà chính tác giả chụp trong quá trình tác nghiệp ở các khu vực miền Bắc Việt Nam, giúp đem đến cho độc giả một bức tranh toàn cảnh và chân thực về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là vào thời điểm năm 1972.

Trong phần mở đầu của tác phẩm, nhà báo Kapfenberger tóm lược lại quá trình lịch sử, từ lời kêu gọi tổng khởi nghĩa trên cả nước của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8-1945. Tiếp đó, ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Tác giả nhận định, thế giới nhận thức được các diễn biến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam theo những cách rất khác nhau. Trong khi phía các nước xã hội chủ nghĩa tin rằng mình được thông tin đầy đủ về các sự kiện ở Việt Nam, thì phía các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh và truyền hình ở phương Tây lại tuyên truyền hoặc che giấu thông tin theo yêu cầu của những người ra quyết định chính trị. Theo tác giả, những gì xảy ra ở Việt Nam thời điểm đó thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới, nhưng nhận thức và mô tả hằng ngày về các sự kiện lại khác nhau hoàn toàn ở phương Đông và phương Tây. Các phóng viên phương Tây chỉ ở miền Nam và chỉ có một số ít nhà báo nước ngoài ở Hà Nội để mô tả thực sự những gì đang xảy ra ở đây. 

Tác giả cũng viết rằng, việc Mỹ sử dụng chất khai quang “chất độc da cam” ở Việt Nam không phải bắt đầu từ năm 1965 với sự can thiệp công khai của Mỹ, mà Không quân Mỹ đã thực hiện ngay từ năm 1961 và kéo dài đến năm 1971. Việc rải hoá chất độc hại này cho tới nay vẫn để lại những hậu quả tàn khốc và chắc chắn sẽ còn lâu dài sau này…  

Trong lời giới thiệu cuốn sách với độc giả, nhà xuất bản Wiljo Heinen nhấn mạnh, lời kể của nhân chứng Kapfenbergerer không chỉ là tư liệu đương đại mà còn là minh chứng về tình đoàn kết với một dân tộc đứng lên đấu tranh vì nền độc lập và tự do của mình.

Theo Tham tán Công sứ Chu Tuấn Đức, những nỗ lực của tác giả cũng như những tác phẩm mà ông Kapfenbergerer viết về Việt Nam sẽ góp phần giúp bạn bè, độc giả Đức hiểu biết hơn và có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa nhân dân hai nước.

Tin, ảnh: TTXVN