Thiết kế chip cho phép các nhà sản xuất thiết bị cải thiện hiệu quả mạng và tạo sự khác biệt cho công nghệ kết nối không dây của họ với các đối thủ, dù những nỗ lực như vậy không hề rẻ.

Ericsson, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới sau Huawei Technologies, cho biết trong 6-7 năm qua, họ đã đầu tư nhiều hơn vào phát triển chip. Chia sẻ với Nikkei bên lề MWC 2024, Freddie Sodergren, người đứng đầu công nghệ và chiến lược của Ericsson về mạng kinh doanh, thừa nhận với 5G, việc phát triển chip nội bộ quan trọng hơn nhiều so với trước.

Ông Sodergren nói công ty vẫn mua chip FPGA cho một số sản phẩm. Nhưng với kết nối 5G, yêu cầu về khả năng tính toán cao hơn và mức tiêu thụ điện năng thấp hơn đã trở nên quan trọng hơn, buộc Ericsson phải mở rộng đội ngũ phát triển chip của mình.

FPGA là chip có sẵn cho phép người dùng lập trình cho các mục đích cụ thể. Chúng ngốn điện và không hề rẻ: Một trạm gốc FPGA có thể có giá hơn 1.000 USD, theo các nguồn tin trong ngành.

n5j7md1w.png
Các công ty thiết bị viễn thông châu Âu đang tìm cách theo kịp nhu cầu của người dùng 5G và AI thông qua tự phát triển chip. Ảnh: Nikkei

Ericsson Silicon, bộ phận phụ trách mạch tích hợp chuyên dụng (ASIC), đã thiết lập một cơ sở ở Austin, Texas (Mỹ) và mở rộng đội ngũ ở Thụy Điển. Họ tuyển dụng vài trăm kỹ sư, theo ông Sodergren. Với một số chip nội bộ, Ericsson luôn sử dụng nút sản xuất chip mới nhất và giới thiệu một thế hệ chip mới mỗi năm.

“Bây giờ, chúng tôi đang đóng một vai trò lớn hơn trước”, ông nói. “Tôi nghĩ đây là một trong những lý do Ericsson thực sự dẫn đầu trong ngành… Chúng tôi đã tự làm điều này”.

Đối thủ Phần Lan của Ericsson là Nokia cũng đã thực hiện cách tiếp cận tương tự, tung ra dòng sản phẩm SocC ReefShark vào năm 2018. Jane Rygaard, người đứng đầu quan hệ đối tác doanh nghiệp toàn cầu của Nokia, cho biết, khi chuyển từ 4G lên 5G và hiện nay là 6G, năng lực cũng như sự hiểu biết về các yêu cầu liên quan mật thiết đến cung cấp hiệu suất lớn hơn, tiêu thụ điện năng thấp hơn.

“Tất nhiên, chúng tôi có thể tiếp tục ra ngoài và mua chip, nhưng nếu muốn đạt hiệu suất và ổn định, đòi hỏi việc thiết kế được thực hiện nội bộ”, ông Rygaard nhận xét. Chẳng hạn, ăng-ten MIMO mới nhất của Nokia có trọng lượng bằng một nửa so với thế hệ trước nhờ chipset ReefShark mới giúp tăng hiệu quả năng lượng và tăng hiệu suất vô tuyến.

Stephane Teral, nhà sáng lập kiêm nhà phân tích chính của hãng nghiên cứu Teral Research, cho rằng việc tùy biến ngày càng quan trọng vì “5G và AI đòi hỏi sức mạnh tính toán mạnh mẽ hơn” từ cơ sở hạ tầng mạng. Tuy nhiên, việc phát triển chip cho các mạng viễn thông cần đến nguồn lực đáng kể và khả năng tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến. Do đó, các công ty như Nokia và Samsung đang hợp tác với các nhà phát triển lâu đời như Marvell, công ty dẫn đầu thị trường về cung cấp chip cho hạ tầng viễn thông và mạng.

Marvell và Nokia đã bắt tay nhau vào năm 2020 để cùng phát triển nhiều thế hệ chipset ReefShark cho các ứng dụng 5G. Năm 2022, họ tập trung vào sản xuất các bộ xử lý dữ liệu với độ trễ thấp hơn, hiệu suất cao hơn và tiết kiệm năng lượng.

Will Chu, Phó chủ tịch cấp cao kiêm phụ trách bộ phận Máy tính và lưu trữ của Marvell, nói với Nikkei rằng mong muốn cạnh tranh là yếu tố “số 1” thúc đẩy sự gia tăng của chip tùy chỉnh. “Từ 2G, 3G, 4G, 5G đến 6G, mỗi khi lên một nấc thang mới, chúng yêu cầu chất bán dẫn tốt hơn”, ông nói.

Theo ông Chu, một yếu tố quan trọng khác là sự hội tụ của 5G và AI, buộc các nhà cung cấp dịch vụ đám mây phải nâng cấp cơ sở hạ tầng của họ. Họ cần hạ tầng mới để hỗ trợ tất cả ứng dụng. Dù vậy, dựa theo quan sát của ông, chỉ những công ty hàng đầu – bao gồm viễn thông và đám mây – mới có năng lực và nguồn lực để phát triển hoặc đồng phát triển chip tùy biến.

(Theo Nikkei)