Sự sụt giảm lượng máu dự trữ dẫn đến nguy cơ thiếu máu cung cấp trong thời gian tới. Ảnh minh họa/suckhoedoisong.vn.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế giao Giám đốc Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Trung tâm máu Quốc gia làm đầu mối điều phối, phối hợp với các trung tâm truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Truyền máu-Huyết học TP Hồ Chí Minh và các trung tâm truyền máu khác bảo đảm cung cấp máu và chế phẩm để hỗ trợ các bệnh viện thuộc phạm vi cung cấp máu của Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP Cần Thơ có đủ máu cho cấp cứu và điều trị người bệnh, tuyệt đối không để thiếu gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Cần Thơ khẩn trương chỉ đạo Bệnh viện Huyết học-Truyền máu TP Cần Thơ thực hiện ngay các giải pháp trước mắt và lâu dài để cung cấp đủ máu và chế phẩm máu cho các bệnh viện trong phạm vi bao phủ cung cấp máu, chế phẩm được giao; thực hiện nghiêm chỉnh Công văn số 1758/BYT-KCB ngày 30-3-2023 của Bộ Y tế về việc thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4-3-2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3-3-2023 của Chính phủ, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; chịu trách nhiệm nếu thiếu máu, chế phẩm gây ảnh hưởng đến người bệnh.

Các Sở Y tế Bạc Liêu, Sở Y tế các tỉnh, thành phố có sử dụng máu, chế phẩm máu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tích cực phối hợp với Sở Y tế TP Cần Thơ và các đơn vị liên quan trong cung cấp máu, chế phẩm và báo cáo Văn phòng UBND tỉnh, thành phố kịp thời để giải quyết các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong bảo đảm cung cấp đủ máu, chế phẩm.

NGỌC ANH