Chủ động đến gần nhà đầu tư

Với phương châm “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, UBND tỉnh Quảng Bình xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ, tạo môi trường an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cam kết sát cánh, đồng hành với nhà đầu tư, làm cầu nối tích cực, hiệu quả, sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực của tỉnh để biến ý tưởng thành hiện thực, cùng Quảng Bình hiện thực hóa các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Ảnh do Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng cung cấp 

Đồng chí Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết: “Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030 Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung. Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây. Tỉnh Quảng Bình xác định tập trung ưu tiên phát triển 2 trung tâm động lực tăng trưởng; 3 trung tâm đô thị; 3 hành lang kinh tế; 4 trụ cột phát triển kinh tế”.

Theo đó, 2 trung tâm động lực tăng trưởng là: Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á; Khu kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế; 3 trung tâm đô thị gồm: Trung tâm đô thị thành phố Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó thành phố Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối thành phố Đồng Hới; trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ của huyện Quảng Trạch, Khu kinh tế Hòn La, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa; trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (tương lai là thị xã); 3 hành lang kinh tế là: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; hành lang kinh tế Đông-Tây dọc Quốc lộ 12 nối cửa khẩu quốc tế Cha Lo-thị xã Ba Đồn-cảng biển Hòn La; hành lang kinh tế trung du và miền núi gắn với Đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc-Nam phía Đông; 4 trụ cột phát triển kinh tế gồm: Tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát triển công nghiệp là trọng điểm, trong đó chú trọng, khuyến khích kêu gọi phát triển công nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, coi đây là bệ đỡ nền kinh tế của tỉnh; phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Quảng Bình nằm trên hành lang kinh tế Đông-Tây, có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, bao gồm cả đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy. Ngoài ra, Quảng Bình được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và châu Á với Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hai lần được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên thế giới…

Với nhiều tiềm năng, thế mạnh về địa lý, kinh tế, nhất là du lịch, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Quảng Bình ưu tiên phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là một trong hai trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình, cùng với ưu tiên phát triển khu kinh tế Hòn La trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư để phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu du lịch Quảng Bình trên bản đồ du lịch quốc tế; coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, ngành du lịch Quảng Bình đã đưa ra nhiều định hướng nhằm kết nối, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch để khai thác tiềm năng, lợi thế độc đáo, khác biệt, trong đó có Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đặc biệt là thế mạnh về du lịch thiên nhiên và trải nghiệm, nhất là vào mùa thấp điểm (mùa mưa lũ)…

“Với mục tiêu níu chân du khách ở lại Quảng Bình lâu hơn để tăng hệ số lưu trú, tăng doanh thu ngành du lịch, chúng tôi xác định cần phải có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, miền để du khách có thêm nhiều sự lựa chọn khi đến với Quảng Bình”, ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết.

Khu kinh tế Hòn La thu hút nhiều dự án trọng điểm, tạo động lực góp phần tăng trưởng kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Cam kết đồng hành với doanh nghiệp

UBND tỉnh Quảng Bình dự kiến trao quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đầu tư 3.129 tỷ đồng (đây là những dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư trong các năm 2022 và 2023); ký biên bản hợp tác đầu tư với 23 nhà đầu tư/24 dự án và khu vực quan tâm với tổng vốn đăng ký 47.783 tỷ đồng trên các lĩnh vực hạ tầng, thể thao-du lịch, công nghiệp-khoáng sản, nông nghiệp, bất động sản; ký biên bản hợp tác giữa Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình với Sở Du lịch TP Hà Nội, biên bản hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Bình và Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội.

Để góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, tỉnh Quảng Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Với phương châm “Thích ứng, đồng hành cùng phát triển”, tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đưa ra 10 cam kết, cụ thể: “Đồng hành với doanh nghiệp”, “phục vụ doanh nghiệp” là phương châm hoạt động của các cấp, ngành; cắt giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính; giảm thiểu các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát; áp dụng mức ưu đãi tối đa về thuế, phí, tiền sử dụng đất và các hỗ trợ khác cho những dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; cung cấp công khai, minh bạch thông tin về đất đai, quy hoạch, kế hoạch, danh mục kêu gọi đầu tư; bảo đảm cung cấp đầy đủ, chất lượng nguồn điện, nước sạch, viễn thông… cho các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo lao động cho các dự án đầu tư mới hoặc dự án cần tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình kinh doanh; cam kết bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ngoài hàng rào các doanh nghiệp, nhà máy; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự; hình thành cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp và thiết lập đường dây nóng đến lãnh đạo tỉnh.

Về các đối tác thu hút đầu tư, Quảng Bình ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với các doanh nghiệp có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, đầu tư ổn định và lâu dài, có tính liên kết và thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm phụ trợ. Đối với các dự án đầu tư trong nước, Quảng Bình ưu tiên thu hút những tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, logistics…

Với các doanh nghiệp địa phương, tỉnh Quảng Bình có chính sách khuyến khích đầu tư vào các cụm công nghiệp, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất.

TRẦN MINH TÚ