Tạo nền tảng cho xe điện phát triển

Thời gian gần đây, ngành công nghiệp xe điện đã có những dấu ấn phát triển mạnh mẽ. Ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp còn do Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp ô tô, đặc biệt là khuyến khích phát triển phương tiện giao thông phát thải thấp hoặc không phát thải.

Với mục tiêu khuyến khích sản xuất và tiêu dùng những mặt hàng thân thiện với môi trường, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2018 quy định mặt hàng ô tô điện có mức thuế suất thấp hơn so với ô tô động cơ đốt trong cùng khả năng chuyên chở hoặc số chỗ ngồi.

Cụ thể, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô động cơ đốt trong dao động từ 15-150% tùy theo dòng xe và dung tích xi lanh. Đối với xe lai điện (HEV, PHEV), xe dùng năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng sử dụng năng lượng xăng không quá 70% được áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe chạy xăng, dầu có cùng dung tích xi lanh. Riêng với ô tô thuần điện (BEV, FCEV) loại chở người từ 9 chỗ trở xuống áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 15%, từ 10 đến dưới 16 chỗ là 10%, từ 16 đến 24 chỗ là 5%, loại vừa chở người vừa chở hàng là 10%.

 Dây chuyền sản xuất ô tô điện với mức độ tự động hóa cao tại Việt Nam. Ảnh: BẢO LINH

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện chạy pin cũng được giảm từ ngày 1-3-2022 theo Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự đã được Quốc hội khóa XV thông qua. Cụ thể, điều chỉnh giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tùy dòng xe ô tô điện xuống còn 1-3% (áp dụng từ ngày 1-3-2022 tới 28-2-2027) và 4-11% (áp dụng từ ngày 1-3-2027).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2022/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ là 0% đối với ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu trong 3 năm kể từ ngày 1-3-2022. Trong 2 năm tiếp theo, mức thu này sẽ bằng 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Với xe đăng ký từ lần thứ 2 trở đi, mức lệ phí trước bạ phải nộp được thống nhất trên toàn quốc là 2%, áp dụng chung cho cả xe điện và xe dùng động cơ đốt trong.

Các quốc gia thúc đẩy phát triển xe điện thế nào?

Có thể thấy, những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe điện tại Việt Nam đã bước đầu tạo đà cho xe điện phát triển. Song, nếu so sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á hay trên thế giới, những chính sách kể trên vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê, tổng mức đầu tư của các nước để hỗ trợ ngành sản xuất xe điện thông qua các hoạt động trực tiếp như mua bán và cắt giảm thuế là 14 tỷ USD (năm 2020).

Trong những năm qua, Na Uy đã trở thành quốc gia tiên phong trên toàn cầu trong lĩnh vực động cơ điện với số lượng ngày càng tăng, tính đến hết tháng 6-2019 có khoảng 342.367 xe bao gồm 237.710 xe khách, xe tải điện và 104.657 xe hybrid điện. Cho đến năm 2019 thị phần ô tô điện đã vượt qua 50% tổng số lượng xe ô tô.

 

Lắp ráp pin cho xe điện. Ảnh: BẢO LINH

Những chính sách ưu đãi cơ bản của Chính phủ Na Uy như giảm thuế và trợ cấp cũng như chính sách miễn phí gửi xe hàng năm đã khuyến khích người tiêu dùng xe điện. Ngoài ra, chính phủ cũng đưa ra chính sách miễn thuế đường hằng năm, phí đỗ xe công cộng, được sử dụng làn đường dành cho xe buýt.

Nhiều quốc gia khác tại châu Âu cũng thực hiện các biện pháp khuyến khích và trợ cấp xe điện; chính sách ưu tiên dành cho xe điện khi lưu thông trong đô thị như: miễn, giảm phí đỗ xe, phí vào nội đô… Dù mức trợ giá không lớn nếu tính trên đơn vị một chiếc xe, những chính sách này vẫn tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, khuyến khích người dùng mua xe điện để được hưởng những ưu đãi hơn hẳn xe chạy động cơ đốt trong truyền thống.

Hay như tại Trung Quốc, quốc gia này đang dẫn đầu thị trường xe điện toàn cầu, chiếm 44% tổng lượng xe điện thế giới, đăng ký hơn 4 triệu xe ô tô điện, 300 triệu xe hai bánh điện (hơn 50% thị trường toàn cầu) và hơn 420.000 xe buýt điện (99% thị trường toàn cầu) vào năm 2020. Từ năm 2009-2022, Chính phủ Trung Quốc đã phân bổ tới hơn 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29 tỷ USD) vào các khoản trợ cấp và giảm thuế cho xe điện, hỗ trợ các công ty xe điện duy trì hoạt động trong những năm đầu, triển khai  chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích người dân mua xe điện.

Một trong những chính sách đặc biệt của Trung Quốc đó là chính sách ưu  đãi và các khoản trợ cấp của Chính phủ không giới hạn ở các công ty nội địa mà áp dụng cho cả các hãng xe nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc thực sự gắn bó sâu sắc với Hãng Tesla (Mỹ) khi đưa ra các ưu đãi tích cực để mời Tesla xây dựng các cơ sở sản xuất tại nước này.

Gigafactory (nhà máy siêu lớn) của Tesla ở Thượng Hải được xây dựng cực kỳ nhanh chóng vào năm 2019 nhờ các chính sách thuận lợi của địa phương và hiện đã trở thành trung tâm sản xuất hiệu quả nhất của Tesla khi chiếm hơn một nửa số xe Tesla được giao vào năm 2022.

Cánh tay robot trong dây chuyển sản xuất, lắp ráp xe điện. Ảnh: BẢO LINH 

Cần những chính sách “bà đỡ” cho xe điện

Đối với Việt Nam, ghi nhận từ chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô cho rằng, Việt Nam gần như chưa có chính sách hỗ trợ khác về tín dụng, đầu tư, thương mại dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xe điện. Một trong những khó khăn của việc triển khai tín dụng cho phát triển ô tô điện là những dự án về ô tô điện thường yêu cầu nguồn vốn lớn, duy trì trong một thời gian dài, đòi hỏi ngân hàng phải có lượng vốn lớn và dài hạn. Cùng với các chính sách, hạ tầng, các quy chuẩn và tiêu chuẩn chưa đồng bộ cũng là những yếu tố tác động lớn đến sự phát triển xe điện tại Việt Nam.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, việc phát triển xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính; gồm: Khung khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của các quốc gia; các biện pháp khuyến khích bổ sung để bảo vệ doanh số bán xe điện khỏi suy thoái kinh tế và số lượng các mẫu xe điện được mở rộng và giảm giá pin; trong đó chính sách đóng vai trò quan trọng.

Nêu cụ thể, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đề xuất, áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô điện trên cơ sở mức phát thải CO2 ra môi trường. Đây là chính sách đã được áp dụng thành công tại nhiều nước trên thế giới nhằm hạn chế hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển công nghiệp xanh, tạo sự công bằng trong chính sách thuế và không ảnh hưởng đến nguồn thu Ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư – đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ – cho các dự án sản xuất, lắp ráp ôtô điện có quy mô lớn. Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…); phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện (trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…).

Để kích cầu thị trường tiêu thụ xe điện, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban Quan hệ công chúng, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tiếp tục nhấn mạnh từ nay tới năm 2030 nên tiếp tục ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế phí liên quan cho từng dòng xe điện hóa. Về trạm sạc, phải đưa ra tiêu chuẩn hỗ trợ phát triển mạnh lưới sạc nhanh, sạc tại nhà.

Xe máy điện chuẩn bị xuất xưởng tại nhà máy ở Việt Nam. Ảnh: BẢO LINH

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhà máy, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển… với doanh nghiệp sản xuất. “Các ưu đãi này sẽ giảm dần ở giai đoạn tiếp theo khi xe điện đã có thị phần nhất định trên thị trường. Từ sau năm 2050, xe điện sẽ không cần các chính sách hỗ trợ riêng”, ông Đào Công Quyết gợi mở.

Đáng chú ý, tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.

Trong đó, Bộ Công Thương chủ trì phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh; sản xuất, cung ứng điện, năng lượng xanh thay thế nhiên liệu hóa thạch đáp ứng nhu cầu trong nước; mở rộng phối trộn, cung ứng nhiên liệu sinh học; phát triển hệ thống sạc điện, năng lượng xanh cho phương tiện giao thông.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao, quản lý, khai thác, vận hành công nghệ mới về phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng xanh.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Chiến lược phát triển ngành ô tô điện hóa Việt Nam giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, với một trong các trọng tâm là phát triển các dòng ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.

MẠNH HƯNG – VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.