Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1589/QĐ-TTg ngày 8/12/2023, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ngoài 2 thành phố hiện có là Bắc Ninh, Từ Sơn, tỉnh  Bắc Ninh sẽ có thêm 2 thành phố mới là Tiên Du và Yên Phong.

Phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Bắc Ninh với tổng diện tích tự nhiên là 822,71km2, gồm 8 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Bắc Ninh và Từ Sơn), 2 thị xã (Quế Võ và Thuận Thành) và 4 huyện (Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài).

Quy hoạch chỉ ra mục tiêu phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố gồm: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; 2 thị xã là Quế Võ, Thuận Thành và 2 huyện: Lương Tài, Gia Bình.

anh 1.jpg
 Một góc TP. Bắc Ninh 

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Quyết định 1589 đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc.

Theo đó, Bắc Ninh được quy hoạch trở thành một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh Bắc Ninh đạt 8% – 9%/năm; tỷ trọng GRDP của công nghiệp và xây dựng khoảng 72,7%; dịch vụ khoảng 21,7%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.

Đến năm 2050, Bắc Ninh đặt mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc nhóm địa phương đứng đầu cả nước về quy mô kinh tế; một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thông minh hàng đầu châu Á và thế giới.

Bắc Ninh cũng hướng đến trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại; người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Bắc Ninh trong thời gian tới là tập trung nguồn lực đầu tư vào ngành công nghiệp và dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển; chuyển đổi và thu hút đầu tư vào nhóm ngành mới.

anh 2.jpg
 Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghệ cao, sản xuất thiết bị bán dẫn

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, Bắc Ninh sẽ chú trọng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, hình thành trung tâm điện tử hàng đầu Việt Nam gắn với công nghệ thông minh, đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa để trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và của cả nước.

Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt cũng xây dựng Bắc Ninh trở thành trung tâm mua sắm, thương mại và tiêu dùng của vùng Thủ đô; thúc đẩy phát triển thương mại gắn với phát triển đô thị xanh, bền vững tạo không gian sống lý tưởng để thu hút nhân lực chất lượng cao.

Địa phương cũng tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái làng nghề, du lịch trải nghiệm lịch sử và thời gian, các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn gắn với giá trị văn hóa con người Bắc Ninh – Kinh Bắc.

Với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, tham gia chuỗi giá trị; nâng cao năng suất, hiệu quả và tận dụng tối đa quỹ đất.    

anh 3.jpg
 Khu công nghiệp Yên Phong 1 – ‘thủ phủ công nghiệp FDI’ của tỉnh Bắc Ninh

Bắc Ninh sẽ có 25 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp, 1 sân bay

Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 25 khu công nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng đồng bộ, chất lượng cao; khuyến khích xây dựng các mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị – dịch vụ; nghiên cứu chuyển đổi 1 – 2 khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Không gian phát triển công nghiệp gồm 4 vùng: Thung lũng công nghệ điện tử – huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp – thị xã Quế Võ; Khu công nghiệp mới – thị xã Thuận Thành và huyện Lương Tài, huyện Gia Bình; Trung tâm Công nghệ thông tin và Công nghệ cao – huyện Tiên Du và TP. Bắc Ninh.

Đồng thời, tỉnh cũng hình thành 30 cụm công nghiệp, phân bố và sắp xếp không gian phát triển các cụm công nghiệp một cách hợp lý trên cơ sở bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác; hoàn thành đầu tư và khai thác 04 tuyến cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc, quốc lộ và đường vành đai trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 190 km; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường tỉnh đạt khoảng 420 km.

Đặc biệt, Bắc Ninh sẽ quy hoạch 1 cảng hàng không (tiềm năng), dự kiến quy mô khoảng 245 ha tại huyện Gia Bình. Bên cạnh đó, cũng quy hoạch 4 cảng cạn, nghiên cứu phát triển bổ sung một số cảng cạn tại các khu công nghiệp có quy mô lớn, kết nối thuận lợi với đường bộ, đường thủy nội địa, có thể tích hợp với các trung tâm Logistics; bố trí ga tàu điện ngầm tại các khu vực trung tâm đô thị Bắc Ninh (TP. Bắc Ninh, thị trấn Lim, TP. Từ Sơn, phường Nam Sơn) và đô thị Hồ.

Ngoài ra, sẽ nghiên cứu kết hợp phát triển trung tâm thương mại, dịch vụ; phát triển các hạ tầng hầm đường bộ, bãi đỗ xe ngầm; xây dựng 3 trung tâm logistics mới tại TP. Bắc Ninh, huyện Yên Phong và thị xã Quế Võ; xây dựng mới 01 trung tâm hội chợ triển lãm tỉnh, 15 trung tâm thương mại; 31 chợ… 

Công Duy