Theo Tân Hoa xã, chiến thắng của ông Erdogan diễn ra trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn về kinh tế và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất khoảng 80% giá trị so với đồng USD trong 5 năm qua và tỷ lệ lạm phát là khoảng 50%. Dù trước khi bước vào vòng hai bầu cử, cán cân đã có những dấu hiệu nghiêng về Tổng thống Erdogan, nhưng chiến thắng sít sao cũng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc ở nước này.

Phát biểu với những người ủng hộ bên ngoài Phủ Tổng thống ở thủ đô Ankara, ông Erdogan nhấn mạnh cuộc bầu cử là sự kiện “quan trọng nhất” đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong kỷ nguyên hiện đại. Ông kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau đoàn kết và thống nhất. “Không có ai là người thua cuộc. Chiến thắng thuộc về tất cả 85 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông khẳng định.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trước những người ủng hộ sau khi giành chiến thắng. 

Trong chiến dịch vận động bầu cử, Tổng thống Erdogan đã tuyên bố nếu ông chiến thắng, Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ hoàn toàn thay đổi và tương lai sẽ được nhìn nhận theo một cách khác”. Và nay khi đã tái đắc cử, ông một lần nữa nhắc lại lời hứa giảm bớt những khó khăn kinh tế và chữa lành “vết thương” của trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 vừa qua sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông.

Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế đang suy thoái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là phép thử tức thời nhất đối với Tổng thống Erdogan, người đã tuyên bố rằng lạm phát là vấn đề cấp bách nhất của nước này. Điều quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ cần phải có chính sách tiền tệ để can thiệp, nâng giá đồng lira bị trượt giá mạnh do dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ đang thấp kỷ lục.

Được biết, trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu quan trọng để xác định ai sẽ là tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ, dự trữ ngoại hối ròng của nước này đã lần đầu tiên rơi xuống mức âm kể từ năm 2002. Các chuyên gia cho rằng, điều này có liên quan đến những nỗ lực gây tranh cãi gần đây của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, theo đó cố gắng giữ đồng nội tệ lira ổn định bằng cách thực thi các chính sách phi chính thống và nỗ lực duy trì lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát leo thang. Điều này đã mang lại không ít rủi ro cho nền kinh tế này.

Có thể nói, chặng đường tiếp theo của Tổng thống Erdogan sẽ gặp không ít khó khăn, bởi ngoài vấn đề kinh tế, ông cũng sẽ phải chịu những sức ép về đối nội và đối ngoại. Có khả năng trong nhiệm kỳ mới, ông Erdogan sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với các nước phương Tây để thu hút đầu tư, vực dậy nền kinh tế. Bên cạnh đó là ưu tiên bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực, Đông Địa Trung Hải, Bắc Phi… để tạo môi trường ổn định, giúp phát triển kinh tế.

Được biết, sau khi ông Erdogan giành chiến thắng, nhiều lãnh đạo và người đứng đầu các nước Arab, Nga, Mỹ, Iran và các tổ chức trong khu vực đã chúc mừng ông Erdogan. Điều đó cho thấy sự quan tâm của khu vực và quốc tế đối với cuộc bầu cử nói chung và với ông Erdogan nói riêng.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc ông Erdogan tiếp tục tại vị sẽ có lợi cho quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài phát biểu sau khi chiến thắng, Tổng thống Erdogan đã cam kết sẽ thực hiện dự án xây dựng trung tâm khí đốt quốc tế ở Thổ Nhĩ Kỳ theo đề xuất trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông khẳng định: “Tôi sẽ củng cố hơn nữa vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đầu tư vào lĩnh vực giao thông và năng lượng, vốn là hạ tầng cơ bản để phát triển lên tầm thế giới”.

HÀ LAN