Không quá khó để tìm ra câu trả lời làm thế nào “trả lại mùa hè” cho trẻ, nhưng để thực hiện là điều không đơn giản. Qua khảo sát thực tế và sự tham vấn của các chuyên gia giáo dục, tâm lý và nhà quản lý, vệt bài góp phần lý giải nguyên nhân khiến vấn đề cứ dai dẳng nhiều năm, đồng thời đưa ra một số giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Bài 1: Mùa hè, mùa học thêm

Hè về, câu chuyện học hè luôn là chủ đề gây nhiều tranh luận. Dịp này, nhiều học sinh từ chuẩn bị vào lớp 1 đến cấp phổ thông đều “chạy sô” học thêm. Phụ huynh mong muốn con học thêm để đạt thành tích cao trong học tập, để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp hoặc chỉ để có chỗ “gửi” con trong dịp hè.

Học để “bằng bạn bằng bè”

Kết thúc năm học, sau hàng loạt dòng trạng thái khoe thành tích học tập của con trên mạng, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ băn khoăn hè này tiếp tục học gì, ở đâu để duy trì phong độ học tập. Đánh vào tâm lý này, trên các trang mạng, các hội nhóm phụ huynh, vô số lớp dạy thêm đưa ra lời mời chào với những hứa hẹn hấp dẫn. Để quảng cáo thêm phần thuyết phục, nhiều trung tâm dạy thêm thuê một số bậc phụ huynh “quyền lực” làm KOL (nhân vật tạo ảnh hưởng), chia sẻ kinh nghiệm con mình học thầy cô nào để đỗ vào trường này, trường kia hay làm sao giành giải trong các kỳ thi…

Mới đầu kỳ nghỉ hè mà một nhóm phụ huynh đồng hành với con học thêm khá nổi tiếng ở Hà Nội với gần 130.000 thành viên đã rôm rả chia sẻ nhau thông tin về kỳ thi SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ) sẽ diễn ra vào tháng 8 tới, cùng với đó là hướng dẫn luyện, thi thử ở đâu, kèm lời khuyên “đăng ký ngay, rất nhanh hết suất các phụ huynh nhé”. Hay như bảng kết quả thi thử cô giáo gửi lên trong nhóm với lời nhắn “các phụ huynh nhớ nhắc con làm những bài khó mà cô đã gửi”.

 Đầu hè mà phòng ghi danh các trung tâm dạy văn hóa ngoài nhà trường đã rất đông học sinh. 

Chị Hoàng Trúc Phương, có con đang học tại ngôi trường THPT chuyên quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Phụ huynh nào cũng vậy, đều mong muốn con mình đạt thành tích cao trong học tập. Học thêm ở những lò chuyên đào tạo học sinh giỏi quốc gia, gia đình không chỉ “mở mày mở mặt” khi con đoạt giải mà các cháu sẽ có nhiều lợi thế trong xét tuyển đại học hay đi du học sau này”.

Theo khảo sát của phóng viên tại tỉnh Nghệ An, đa phần phụ huynh đều hiểu việc trẻ được nghỉ ngơi, vui chơi dịp hè là cần thiết, nhưng khi thấy “con nhà người ta” học thêm mà con mình không đi học thì cũng “sốt ruột”. Chị Trần Thị Hiền (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) có hai con đang học THPT và THCS tại TP Vinh cho hay, dù con gái học lớp 8 của chị đứng tốp đầu của lớp nhưng hè này chị vẫn xác định cho con học thêm. Chị Hiền cho biết: “Lớp cháu, các bạn đều đi học thêm. Tôi hỏi ý kiến con về việc có cần đi học thêm hè không thì cháu bảo nếu không học thêm thì sẽ “tụt hạng” và sẽ mất sự kết nối với bạn bè, thầy cô. Vậy nên tôi cũng “bấm bụng” để con đi học thêm cho “bằng bạn bằng bè”.

Không chỉ lớp học sinh lớn mà ngay cả những trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh cũng chạy đôn chạy đáo tìm lớp “luyện thi”. Trên một số diễn đàn cha mẹ, nhiều phụ huynh khoe con chưa học lớp 1 đã đọc vanh vách do đi học thêm, khiến các phụ huynh khác lo lắng vội tìm lớp học hè cho con. Quyết định gửi con đi học trước khi vào lớp 1, chị Trần Ngọc Diệp (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) ngao ngán kể: “Mình đến gặp cô giáo của ngôi trường con sẽ vào học để xin học chữ, học số đếm, làm toán trước khi vào lớp 1, cô lại hỏi cháu đã biết viết chưa, rồi mắng giờ này chưa biết chữ thì sao theo được các bạn ở lớp học thêm. Chả lẽ bây giờ còn có học thêm của học thêm?”.

Một lãnh đạo Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho rằng học là một quá trình cả cuộc đời. Học và chơi, chơi và học cần có sự cân bằng. Việc học trước là không cần thiết. Thực tế nhiều em do học trước trong hè hoặc học thêm, khi vào lớp chủ quan, không nghe giảng bài. Học trước, các thầy cô chủ yếu hướng dẫn học sinh kỹ năng giải bài tập chứ ít khi đủ điều kiện giảng lý thuyết. Trong học tập, trả lời các câu hỏi “tại sao” hết sức quan trọng, giúp học sinh hiểu sâu, nhớ lâu và ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Với một số em trong năm học không theo kịp bạn bè, khả năng tiếp thu chậm, trong thời gian nghỉ hè, phụ huynh có thể cho các con ôn lại bài cũ với thời lượng vừa phải, củng cố các kiến thức đã bị hổng trong năm. Việc này cần hơn học kiến thức mới. Tuy nhiên, vẫn cần ưu tiên cho các hoạt động trải nghiệm, học kỹ năng, tham gia các sân chơi bổ ích.

Cho rằng việc học thêm quá nhiều dịp hè đã vô tình “đánh cắp” tuổi thơ, những cơ hội trải nghiệm của con, Nguyễn Liên Phương, một giáo viên tiểu học tại Hải Dương cho hay: “Đôi khi đọc những bài văn ngây ngô của học sinh trên mạng như tả con gà trụi lông ngồi bàn thờ ngậm hoa, chúng ta vừa buồn cười, vừa thương các em. Đơn giản vì nhiều em thiếu kỹ năng sống, thiếu cơ hội được trải nghiệm, khám phá thế giới xung quanh. Phụ huynh không nên nghĩ rằng học chỉ là những kiến thức trong sách vở, điểm số, mà con còn có thể học từ cuộc sống tự nhiên. Những kiến thức này dễ tiếp thu hơn nhiều so với việc ngồi vào bàn học và học qua sách vở”.

Học thêm để thi

Bên cạnh những căn bệnh thành tích trong học hành, những kỳ thi cuối cấp cũng là một áp lực khiến phụ huynh cũng như nhà trường, thầy cô và học sinh lao vào học thêm, bởi không học thêm thì… không thi được.

Theo chia sẻ của chị Đào Thu Hiền (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), việc học thêm áp lực nhất là với các học sinh cuối cấp, đặc biệt với những em mà bản thân và cha mẹ có nguyện vọng thi vào các trường điểm. Lựa chọn duy nhất là ép con học ở trung tâm, thuê gia sư dạy kèm tại nhà hay tìm địa chỉ giáo viên tin cậy để con chuẩn bị sang năm “chinh chiến” vào lớp 10.

Nắm bắt tâm lý phụ huynh muốn con học trong hè, nhiều đơn vị dạy thêm, giáo viên đưa ra hàng loạt khóa học, đáp ứng đủ loại yêu cầu từ chuẩn bị vào lớp 1, đến các lớp cấp tiểu học, THCS có giá trung bình 250.000 đồng/buổi (1,5 đến 2 giờ đồng hồ); ôn thi lớp 6, lớp 10 trường chuyên có giá 300.000 đồng/buổi; luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ khoảng 500.000 đồng/buổi. Nếu kèm riêng thì sẽ có giá khác theo thỏa thuận. Như vậy, tính trung bình một học sinh chỉ học thêm 3 môn chính, học 5 buổi/tuần thì số tiền mỗi tháng gia đình bỏ ra cũng ngót nghét 6 triệu đồng. Nhiều phụ huynh than giờ nuôi tiền ăn không tốn bằng tiền học. Học thêm tốn nhất là cấp THCS và đỉnh điểm là lớp 8, lớp 9 vì học tăng cường. Phụ huynh nào cũng sợ thi kỳ thi vào lớp 10 hơn là thi đại học.

Lo sợ con quên kiến thức sau thời gian nghỉ hè, không ít phụ huynh đã sớm đăng ký những lớp học thêm, lớp học năng khiếu… Những kỳ nghỉ hè vốn là thời gian nghỉ ngơi, lại trở thành nỗi áp lực của con trẻ. Em N Đ A, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội buồn rầu nói: “Nghỉ hè em muốn đi học đá bóng với các bạn nhưng cứ phải đi học Toán, Văn. Em rất chán và mệt nhưng không dám nói với bố mẹ”. 

Thực chất ai cũng biết nghỉ hè là thời gian để các em chuyển hình thức hoạt động từ trong nhà trường sang hoạt động với gia đình, xã hội, hướng tới sự hình thành nhân cách và phát triển toàn diện của một đứa trẻ. Nhưng vì nhu cầu thực tế, nhiều phụ huynh vẫn cho con em đi học thêm hè triền miên khiến các em không có thời gian hòa nhập vào cuộc sống thực, lấy mất đi tuổi thơ thật sự của các em.

Theo báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam năm 2011-2020 do Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và UNESCO công bố vào tháng 8-2022 cho thấy chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay. Cụ thể, chi phí học thêm đối với học sinh tiểu học là 32%, THCS là 42% và THPT là 43%. 

(còn nữa)

Bài và ảnh: HÀ LÊ KHOA