Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1-8 việc xuất khẩu gallium và germanium sẽ bắt buộc phải có giấy phép đi kèm, trong đó mục đích xuất khẩu và đơn vị cuối cùng tiếp nhận lô hàng xuất khẩu phải được khai báo rõ ràng. Văn bản cho biết mục đích của hành động này là để “bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia”. Theo đó, các nhà xuất khẩu những nguyên liệu thô này sẽ cần phải có “sự cho phép đặc biệt của nhà nước” để xuất khẩu khỏi Trung Quốc.

Gallium và germanium là gì?

Theo Bloomberg, gallium và germanium, hai kim loại có bề ngoài màu trắng bạc, thường được phân loại là “kim loại phụ” thường không được tìm thấy đơn lẻ trong tự nhiên. Thay vào đó, chúng được sản xuất với nồng độ nhỏ như một sản phẩm phụ của các nhà máy lọc dầu tập trung vào các nguyên liệu thô phổ biến khác như kẽm hoặc alumin.

Gallium là kim loại có màu trắng bạc. Ảnh: chemindigest.com 

Hai kim loại này có nhiều ứng dụng chuyên biệt trong các lĩnh vực như sản xuất chip, thiết bị liên lạc và quốc phòng. Gallium được sử dụng trong chất bán dẫn hỗn hợp, kết hợp các nguyên tố để cải thiện tốc độ và hiệu quả truyền dẫn của TV và màn hình điện thoại di động, tấm pin mặt trời và radar. Germanium là chất thiết yếu để sản xuất sợi quang học và ống kính máy ảnh hồng ngoại. 

Liên minh châu Âu (EU) cho biết hai nguyên tố này được coi là một trong những vật liệu thô thiết yếu, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng gallium của thế giới, đặc biệt, gallium nitride là vật liệu bán dẫn thế hệ thứ ba có thể cải thiện đáng kể hiệu suất năng lượng của các radar mảng pha.

Trong khi đó, germanium là nguyên tố thiết yếu trong quá trình chế tạo cáp quang và thấu kính camera hồng ngoại. Trung Quốc cũng chiếm hơn 80% sản lượng nguyên tố này, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong một báo cáo năm 2020.

Vai trò của Trung Quốc

Theo một nghiên cứu của EU trong năm nay về nguyên liệu thô chính, Trung Quốc cho đến nay là nguồn cung cấp lớn nhất cả hai kim loại này – chiếm 94% nguồn cung gallium và 83% germanium.

Công ty Tư vấn CRU Group cho biết mặc dù có thể thay thế cả hai kim loại nhưng làm như vậy có thể sẽ tốn nhiều chi phí hơn và có thể cản trở hiệu suất của công nghệ. Cả hai kim loại đều không đặc biệt hiếm, nhưng quá trình xử lý khá tốn kém. Trung Quốc từ lâu đã xuất khẩu các kim loại này với giá tương đối rẻ nên có rất ít cơ sở khai thác chúng ở nơi khác. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Đức và Kazakhstan đã chứng kiến sản lượng giảm rõ rệt khi Trung Quốc tăng sản lượng xuất khẩu 2 kim loại này lên.

Bên cạnh Trung Quốc, các quốc gia khác có năng lực sản xuất gallium bao gồm Nga và Ukraine (được sản xuất dưới dạng sản phẩm phụ của alumina), Hàn Quốc và Nhật Bản (dưới dạng sản phẩm phụ của kẽm). Ở Bắc Mỹ, germanium được thu hồi cùng với kẽm, chì và các kim loại khác tại nhà máy luyện kim Trail của Teck Energy Ltd. ở British Columbia. Ở châu Âu, Umicore SA của Bỉ là nhà sản xuất cả hai loại kim loại này.

Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), trong 372 tấn gallium được sản xuất vào năm 2021, khoảng 94% đến từ Trung Quốc, 3% từ Nga và 1% giữa Ukraine, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời cho biết năng lực sản xuất gallium tinh chế của 27 Quốc gia thành viên EU là con số 0. Trên thực tế, EU phụ thuộc 98% vào nhập khẩu khoáng sản này từ nước ngoài, với thị phần do Bắc Kinh nắm giữ. Ngoài việc ủy quyền xử lý gallium cho các quốc gia khác, EU cho đến nay vẫn chưa thể bắt đầu quy trình tái chế đối với các sản phẩm đã hết hạn sử dụng.

Mặc dù Trung Quốc là quốc gia chiếm ưu thế trong sản xuất, tinh chế và xử lý nhiều nguyên liệu thô quan trọng trên toàn cầu (bao gồm gallium và germanium), nhưng Bắc Kinh vẫn phải dựa vào công nghệ phương Tây để sản xuất chip hiệu suất cao.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc là nước sản xuất hai nguyên tố này lớn nhất thế giới, hơn nữa gallium nitride là nguyên liệu thô chính cho các thiết bị bán dẫn công suất cao và năng lực sản xuất gallium nitride của Trung Quốc chiếm 42% thế giới.

Trung Quốc cũng là nhà sản xuất lớn nhất các nguyên tố đất hiếm, một nhóm gồm 17 kim loại quan trọng đối với công nghệ hiện đại, bao gồm công nghệ vũ trụ và vũ khí tiên tiến. Trung Quốc có hơn 90% năng lực sản xuất đất hiếm của thế giới.

Chuyên gia nhận định

Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc là nhà sản xuất gallium và germanium lớn nhất thế giới, do đó, bất kỳ sự giảm sản lượng nào của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới đều có thể dẫn đến sự chậm lại trong sản xuất của các nhà sản xuất công nghệ, viễn thông, năng lượng và ngành công nghiệp ô tô cũng như khách hàng của họ. Động thái này của Trung Quốc sẽ khiến giá tăng đột biến, các nhà phân tích kỳ vọng các nhà cung cấp khác sẽ tăng cường sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường bán dẫn.

Ảnh minh họa: Shutterstock 

Theo Financial Times, Trung Quốc đang cố gắng hạn chế xuất khẩu hai kim loại được sử dụng trong sản xuất chip và thiết bị truyền thông nhằm đáp trả lại những hạn chế do Mỹ và các nước đồng minh áp đặt. 

Các biện pháp thắt chặt xuất khẩu của Trung Quốc được đưa ra sau khi Washington có động thái đưa các công ty Trung Quốc vào “danh sách đen”, theo đó hạn chế nước này tiếp cận các công nghệ của Mỹ, trong đó có những dòng chip tân tiến. Trung Quốc cho rằng động thái trên của Mỹ là nhằm duy trì ưu thế trong ngành, đồng thời cũng có biện pháp nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp trong lĩnh vực chất bán dẫn.

Theo các chuyên gia được Bloomberg dẫn lời: “Nó sẽ gây rối loạn. Germanium và gallium cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghệ cao”. Hệ quả là cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng giữa Trung Quốc với Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực của công nghệ đã leo thang. Hành động này là một đòn phản công chính xác trước sự tấn công của tập đoàn bán dẫn do Mỹ đứng đầu vào ngành bán dẫn của Trung Quốc. Sự thực là, nếu không có các kim loại quý hiếm quan trọng là gallium và germanium thì ngành bán dẫn ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản sẽ “thiếu gạo”.

Theo nhiều chuyên gia, gallium là silicon mới cho ngành công nghiệp bán dẫn. Nó là ứng cử viên thích hợp để sản xuất chip thế hệ mới. Ngày nay, 40% lượng gallium được sử dụng trên toàn cầu được dành cho việc sản xuất các mạch tích hợp. 20% khác dành cho quang điện tử, 15% cho nam châm và gần 20% cho cảm biến.

Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc lo lắng rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể phản tác dụng. “Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất Trung Quốc, nhưng tác động ngắn hạn đối với thị trường quốc tế là hạn chế”, một giám đốc điều hành cấp cao của một công ty vật liệu bán dẫn Trung Quốc cho biết.

Truyền thông Trung Quốc nhận định, việc ra lệnh hạn chế xuất khẩu đối với hai loại khoáng sản chính là để trả đũa các lệnh trừng phạt mới của phương Tây đối với ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, đó là ngay sau khi chính phủ Hà Lan ngày 30-6 cho biết sẽ yêu cầu các công ty trong nước phải nộp đơn xin phép nếu muốn bán thiết bị sản xuất chip ra nước ngoài. Quy định này có hiệu lực từ 1-9 và doanh nghiệp được nhắc đến nhiều nhất là ASML, trong khi quốc gia được đánh giá bị ảnh hưởng nhất là Trung Quốc. 

Ngay sau động thái của Hà Lan, Trung Quốc lên án Mỹ đã ép các quốc gia khác áp đặt biện pháp phong tỏa công nghệ đối với Trung Quốc, “phá hoại quy tắc thị trường và thương mại quốc tế” cũng như sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu.

THANH HƯƠNG (Tổng hợp)