Bản Kéo là cụm cứ điểm đầu tiên được quân Pháp xây dựng ngay sau khi nhảy dù xuống Mường Thanh. Trước khi bị Trung đoàn 36 bức hàng, việc phòng thủ nơi này được giao cho Thiếu tá Léopold Thimonnier chỉ huy Tiểu đoàn lính Thái số 3. 

Di tích đồn Bản Kéo. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Điện Biên.

Sau khi tiêu diệt hoàn toàn 2 cụm cứ điểm Him Lam (Gabrielle) và Độc Lập (Béatrice), Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ chủ trương tiêu diệt tiếp cụm cứ điểm Bản Kéo để tạo bàn đạp kiểm soát sân bay Mường Thanh. Cụm cứ điểm này ở gần Phân khu Trung tâm nên được hỏa lực yểm trợ từ nhiều phía, có cả xe tăng. Nhiệm vụ tấn công Bản Kéo được giao cho Trung đoàn 36 do Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn đảm nhận. 

Đã quá quen với nhiều lần nhận nhiệm vụ bất ngờ và vội vã như vậy, Trung đoàn trưởng 36 chỉ huy đơn vị đi suốt đêm ngày để đến Bản Kéo trước giờ nổ súng. “17 giờ 30, khi tiếng pháo của ta mở đầu chiến dịch Điện Biên, tiến công đồi Him Lam, tôi chỉ dừng lại trên đường Điện Biên Phủ – Sơn La 5 phút vừa kịp trông thấy chiếc phi cơ Hen-cát của Pháp bị cao xạ ta bắn rơi đang chúc đầu lao thẳng xuống núi”. Cố Trung tướng Phạm Hồng Sơn đã kể lại như vậy trong hồi ký của ông mang tên gọi “Nhớ và quên”. 

Trong khi đó, chứng kiến sự thất bại nhanh chóng của 2 cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập do những đơn vị lính lê dương tinh nhuệ bảo vệ, tinh thần của lính Thái dao động. Đêm 15/3, Trung đoàn 36 vào chiếm lĩnh trận địa Bản Kéo, bao vây toàn bộ cứ điểm, ban chỉ huy trung đoàn nhận thấy có khả năng giải quyết cứ điểm này bằng binh vận qua hình thức “bức hàng”.

Trung tướng Phạm Hồng Sơn và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong phút nghỉ giải lao tại Hội thảo kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/2004).
Ảnh: Nguyễn Văn Kự.

Trước đó, khi thu dọn chiến trường cụm cứ điểm đồi Độc Lập (ngày 15/3), phát hiện có khoảng 30 lính  u Phi thuộc Tiểu đoàn 5 bị thương nặng, ban chỉ huy trận đánh liền giao cho 1 lính người Algérie bị thương nhẹ mang về cho Đại úy Clarchambre – đồn trưởng Bản Kéo lá thư bằng tiếng Pháp. Thư hẹn 7 giờ sáng hôm sau, đồn trưởng cử người tới nhận 30 thương binh nặng của Tiểu đoàn 5 Algérie về. Toàn trận địa sẽ ngưng nổ súng 6 tiếng để quân Pháp sang lấy thương binh. 

Đúng hẹn, hôm sau, một viên trung úy và một số binh lính Thái có mặt đúng giờ với những chiếc cáng thương. Binh sĩ Tiểu đoàn 5 bị thương đã được băng bó cẩn thận, đang nằm chờ.

Trung đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn và Phó Chính uỷ Phạm Hồng Cư.
Ảnh: Tư liệu gia đình Trung tướng Phạm Hồng Sơn.

Trong khi đó, từ trên các điểm cao xung quanh Bản Kéo, Trung đoàn 36 bắc loa nói bằng tiếng Thái và tiếng Việt kêu gọi lính Thái hãy bỏ súng trở về, không theo Pháp, không giết hại đồng bào. Nhiều truyền đơn được ném vào bên trong cứ điểm có nội dung: “Toàn bộ binh sĩ ở Bản Kéo hãy ra hàng để tránh bị tiêu diệt trong một ngày sắp tới”. 

Đặc biệt, dưới chân đồn Bản Kéo bất thình lình xuất hiện một bức tranh lớn được dán trên các tấm liếp ghép lại rộng ước chừng 20m2. Nội dung bức tranh địch vận này kêu gọi lính Thái rời bỏ vị trí trở về với bản làng và người thân. Đây là tác phẩm của họa sĩ Mai Văn Hiến dưới sự gợi ý, chỉ đạo của ông Phan Hiền – người phụ trách công tác báo chí và địch vận ở mặt trận. Bức tranh càng khiến binh lính đồn Bản Kéo mất tinh thần.

Tranh địch vận kêu gọi binh lính Pháo tại Điện Biên Phủ trở về với chính nghĩa.
Ảnh: Võ Quốc Tuấn sưu tầm.

Trưa 17/3, lính Thái kéo tới gặp đồn trưởng nêu yêu sách giải tán đồn cho binh lính về quê. Đồn trưởng Clarchambre ra lệnh họ phải theo ông ta trở về sân bay Mường Thanh, nhưng binh lính đã không còn nghe theo lời chỉ huy. Họ lũ lượt kéo nhau ra hàng. Không tốn 1 viên đạn, Trung đoàn 36 đã xóa sổ cứ điểm cuối cùng của Phân khu Bắc. Giai đoạn 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc. Hai tuần sau, Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tiếng công cụm cao điểm phía đông – các quả đồi A1, C1 và C2, mở đầu cuộc chiến giành giật từng thước đất giữa hai bên./. 

quochoitv.vn

Nguồn