Theo Reuters, các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy vụ vỡ đập Kakhovka khiến nước lũ bất ngờ dâng cao, làm ngập nhiều thị trấn và làng mạc. Hãng tin ABC thì cho biết, vụ vỡ đập đã buộc 17.000 người sinh sống quanh khu vực này phải đi sơ tán. Các quan chức Ukraine ước tính nước lũ còn đe dọa cuộc sống của khoảng 42.000 người và khoảng 80 cộng đồng dân cư.

Trong khi Ukraine cáo buộc các binh sĩ Nga làm nổ con đập, phía Nga lại cho rằng con đập này bị vỡ do các cuộc pháo kích của lực lượng Ukraine. Theo yêu cầu của cả Nga và Ukraine, ngày 6-6, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhóm họp để thảo luận về vụ việc. Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cũng thông báo mở cuộc điều tra hình sự liên quan tới vụ phá hoại đập thủy điện Kakhovka.

 Vụ vỡ đập gây lụt lội tại một khu vực ở thành phố Kherson. Ảnh: Getty Images

Chia sẻ với báo giới, Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh, hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để kết luận ai đứng sau vụ việc. Tương tự, theo BBC, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng cho rằng, còn quá sớm để xác định nguyên nhân và đưa ra đánh giá cuối cùng về vụ vỡ đập nói trên.

Một số nguồn tin cho rằng sau khi bị vỡ, đập thủy điện Kakhovka gần như không thể sửa chữa và về lâu dài, vụ vỡ đập sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. AFP dẫn lời bà Daria Zarivna, Cố vấn truyền thông của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cảnh báo về tác động tiêu cực đối với môi trường do vụ vỡ đập Kakhovka làm 150 tấn dầu động cơ tràn xuống sông Dnipro. Phía Ukraine cũng lo ngại về nguy cơ hàng trăm tấn dầu tiếp tục rò rỉ ra con sông này.

Dư luận cũng cho rằng, vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka không chỉ làm nhiều khu dân cư bị ngập lụt mà còn khiến tình hình thiếu điện tại Ukraine càng trở nên trầm trọng hơn. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cảnh báo nước lũ tràn ra từ vụ vỡ đập có thể gây ra những tác hại lâu dài đối với các hệ sinh thái ở Ukraine cũng như của cả khu vực. Ngoài ra, do đập Kakhovka là nơi cung cấp nước làm mát cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nên sau khi đập bị vỡ, nhiều người còn lo ngại về khả năng xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy điện này. Đáp lại, Reuters dẫn thông báo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, hiện không có mối đe dọa trực tiếp nào nhằm vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau vụ vỡ đập.

Theo đánh giá của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka là một thảm họa nhân đạo, kinh tế và sinh thái lớn bởi nó khiến ít nhất 16.000 người mất nhà cửa, chưa kể hàng nghìn người khác phải đối mặt với nguy cơ mất nguồn cung nước sạch và an toàn.

Ông Guterres cho biết, hiện LHQ đang phối hợp với Chính phủ Ukraine để gửi hỗ trợ bao gồm nước uống và dụng cụ lọc nước tới khu vực bị ảnh hưởng. Sau cuộc trò chuyện với Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng thông báo trên mạng xã hội Twitter rằng EU đã đề nghị cung cấp hỗ trợ cần thiết và viện trợ nhân đạo nhằm giúp giảm hậu quả của vụ vỡ đập.

ANH VŨ