Máy in Giải phóng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh
“Năm 1960, Tỉnh ủy họp bàn kinh nghiệm phát động quần chúng đồng khởi nổi dậy phá khu ấp trù mật của địch, học tập kinh nghiệm xây dựng lực lượng chính trị, binh vận, võ trang xây dựng Đảng ở cơ sở,... Nhưng lúc đó, công tác tuyên truyền cổ động của Đảng chỉ dựa vào chiếc máy thu thanh dưới hầm bí mật ghi tin đọc chậm của Đài Tiếng nói Việt Nam và những tài liệu, truyền đơn, khẩu hiệu của cách mạng phải in bằng “susoa”, bằng bột,... Và một nhà in “di động” trên vùng đồng bưng được thành lập để phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đến năm 1961, nhà in được mang tên Phan Văn Mảng, một cán bộ cách mạng trung với Đảng, hiếu với dân, xả thân vì nước” - nguyên Phó ban Quản trị Nhà in Phan Văn Mảng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Xoàn kể.
Gắn bó với Nhà in Phan Văn Mảng từ năm 1963, đến năm 1968, ông Lê Xoàn được điều sang làm công tác tuyên truyền chuẩn bị cho Chiến dịch Mậu Thân. Giai đoạn 1970-1971, Nhà in còn bị địch “xóa trắng” cơ sở vật chất, thiết bị, ông Lê Xoàn tiếp tục được điều động trở lại để gầy dựng Nhà in. Ông là nhân chứng cho những ngày tháng vừa gian nan, vừa rực rỡ của Nhà in Phan Văn Mảng - một bộ phận không thể tách rời của hoạt động báo chí và tuyên truyền trong những năm kháng chiến.
Nguyên Phó ban Quản trị Nhà in Phan Văn Mảng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lê Xoàn là nhân chứng lịch sử cho những tháng ngày gian lao và rực rỡ của Nhà in Phan Văn Mảng
Nhà in Phan Văn Mảng được gọi là nhà in “di động” bởi để vừa in ấn, vừa tránh tai mắt và sự tấn công của kẻ thù cũng như thích ứng với sự khắc nghiệt thiên nhiên vùng Đồng Tháp Mười, cán bộ, công nhân nhà in phải luôn linh hoạt và nhà in phải di chuyển liên tục. Mỗi lần di chuyển, cán bộ, chiến sĩ chia nhau mang vác máy, chữ chì, vũ khí,... Trong khi di chuyển, cán bộ Nhà in Phan Văn Mảng vẫn làm việc và sản xuất để tự túc lương thực.
"Cơ ngơi" nhà in thời điểm đó chỉ là những mái nhà cột tre, lợp lá, đủ để thiết bị và vài cái vạt tre dùng để nghỉ ngơi. Mùa nước lên, nền nhà in được cơi lên theo mực nước. Để tránh địch tấn công, có lúc máy in và bộ phận chữ phải đóng cách xa nhau. Cán bộ nhà in lúc đó không chỉ làm nhiệm vụ in ấn mà còn phải luôn giữ nghiêm kỷ luật “đi không dấu, nấu không khói”.
Để phục vụ cách mạng, cán bộ, công nhân nhà in phải làm việc hơn 16 giờ/ngày. Có những đồng chí làm việc miệt mài không kể giờ giấc. Với những kinh nghiệm có được từ kháng chiến chống Pháp, các đồng chí Lê Văn Thành, Nguyễn Khắc Tư, Trần Văn Trừ,... từ tay không sáng tạo nên một máy in typo làm bằng gỗ và những cây sắt nhổ ở hàng rào khu trù mật Giồng Búng.
Đồng chí Trần Văn Trừ, người đóng được máy in Giải phóng đầu tiên của tỉnh năm 1960-1961, đang lên khuôn bản chì báo Quyết Tiến (Ảnh chụp lại)
Sau những nỗ lực, máy in tự tạo đầu tiên của Long An cũng hoàn thành. Ngày 01/5/1961 là ngày khánh thành máy in Giải phóng tự tạo, cũng là ngày nhà in của tỉnh mang tên người cộng sản kiên trung Phan Văn Mảng được chính thức thành lập.
Cũng sau sự kiện đó, tiếng tăm của Nhà in Phan Văn Mảng “bay xa”, nhiều tỉnh gửi cán bộ đến học tập kinh nghiệm đóng và sử dụng máy.
"Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Nhà in Phan Văn Mảng còn cung cấp cán bộ kỹ thuật và công nhân có tay nghề cho Trung ương xây dựng Nhà in Trần Phú. Nhiều cán bộ trưởng thành từ nhà in trở thành chiến sĩ ưu tú, anh hùng trong quân đội, trong đó có thể kể đến Trương Công Xưởng, Nguyễn Văn Thể,..." - ông Lê Xoàn kể.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Phan Văn Mảng là Tỉnh ủy viên tỉnh Chợ Lớn. Ông hy sinh năm 1958 tại Bến Lức. Ông là cán bộ cách mạng kiên trung, niềm tự hào của người cách mạng lúc bấy giờ. |
Nhà in Phan Văn Mảng là đơn vị có đóng góp to lớn cho công tác tuyên truyền của tỉnh. Đầu năm 1963, tờ báo Quyết Tiến ra đời với danh nghĩa chính thức là cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Long An, số đầu tiên được in tại Nhà in Phan Văn Mảng. Tờ báo được đồng bào, chiến sĩ yêu thích nên phải tăng số lượng in và rút ngắn thời gian. Cán bộ, chiến sĩ nhà in lại nghiên cứu cải tiến kỹ thuật in để hoàn thành nhiệm vụ. Thời điểm đó, có lúc, số lượng phát hành tờ Quyết Tiến lên đến 800 tờ.
Tác giả Thạch Phương, chủ biên Địa chí Long An, từng nhận định: “Nói đến những thành tích báo chí của tỉnh mà không đề cập đến vai trò của nhà in là một thiếu sót lớn bởi lẽ trong 30 năm chiến tranh, nhất là trong 21 năm chống Mỹ, cứu nước, nhà in và báo chí của tỉnh gắn bó với nhau như hình với bóng. Thậm chí không có nhà in (hay bộ phận in ấn) thì cũng không có được báo chí”.
Sau năm 1975, Nhà in Phan Văn Mảng sáp nhập cùng Nhà in Kiến Tường, tiếp tục phát huy truyền thống và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến năm 1977, Nhà in Phan Văn Mảng đổi tên thành Xí nghiệp in Phan Văn Mảng. Với những đóng góp to lớn của mình, tập thể cán bộ, công nhân, viên chức Xí nghiệp in Phan Văn Mảng được tặng Huân chương Lao động hạng Ba./.
Quế Lâm
Nguồn: https://baolongan.vn/cau-chuyen-ve-nha-in-di-dong-o-dong-bung-a198679.html
Bình luận (0)