Cờ Tổ quốc tung bay trên chiến hạm 015-Trần Hưng Đạo.  

Cờ Tổ quốc tung bay trên chiến hạm 015-Trần Hưng Đạo.  

Đúng 6 giờ sáng, khẩu lệnh được mã hóa phát đi từ tàu chỉ huy diễn tập Satpura (Ấn Độ) vang lên qua hệ thống bộ đàm trên buồng hành trình của tàu Việt Nam yêu cầu kiểm tra thông tin liên lạc giữa các tàu trong toàn lực lượng gồm 9 tàu (Ấn Độ-2 tàu, Singapore, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Brunei). Không khí sôi động bao trùm buồng hành trình bởi tiếng bộ đàm liên tục vang lên các giản ngữ chiến thuật giữa các tàu để kiểm tra thông tin liên lạc. Không có bất kỳ sự cố nào về các mạng thông tin liên lạc. Liên lạc trên các kênh thông tin giữa các tàu hoàn toàn thông suốt.

Theo đúng kế hoạch, các tàu nhanh chóng bước vào diễn tập khoa mục “theo dõi tàu lạ” sau khi câu lệnh từ tàu Singapore chỉ huy khoa mục được phát đi yêu cầu các tàu “thành lập đội hình mặt quạt theo phương vị…, cự ly…”. Các sĩ quan tham mưu trên buồng hành trình nhanh chóng dịch mã điện và báo cáo thuyền trưởng để điều động tàu theo đúng yêu cầu và yêu cầu chiến thuật. Ngay từ khoa mục đầu tiên, Tàu 015-Trần Hưng Đạo dưới sự chỉ huy của Trung tá Mã Nguyên Thanh, Thuyền trưởng, đã nhanh chóng chiếm lĩnh, duy trì vị trí của mình trong đội hình mặt quạt và thực hiện các yêu cầu về vận tốc đội hình, và vận tốc chiếm lĩnh cơ động theo đúng câu lệnh được mã hóa của chỉ huy khoa mục.

Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh chỉ huy diễn tập. 
Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh chỉ huy diễn tập. 

Tiếp tục băng băng trên mặt biển chan hòa ánh nắng, gió cấp 3, cấp 4, các chiến hạm nhanh chóng cơ động chuyển sang khoa mục đội hình chụp ảnh. Ở khoa mục này, việc thành lập các đội hình Đoàn kết, Quyết tâm; Vận động đội hình ASEAN, đội hình Hiệp đồng tương đối phức tạp vì phải thay đổi hướng, vận tốc, cự ly liên tục, đòi hỏi sự phối hợp, hiệp đồng ăn ý giữa các tàu trong toàn lực lượng để giữ đội hình chuẩn, khoảng cách đều tăm tắp khi cơ động trên mặt biển. Các chiến hạm hơn 2.000 tấn lướt đi như vẽ lên trên mặt biển từng cuộn sóng mỗi khi tàu chuyển hướng. Tiếng động cơ hơn 8.000 mã lực như gầm gừ dữ dội hơn, át cả tiếng sóng mỗi khi các tàu trong đội hình cơ động đồng loạt thay đổi vận tốc. Tàu 015-Trần Hưng Đạo tự tin cơ động, chiếm lĩnh chính xác vị trí trong đội hình suốt quá trình diễn tập, tàu luôn bảo đảm các quy tắc an toàn hàng hải, nhất là cảnh báo an toàn cho các tàu trong đội hình.

Bản lĩnh tàu chỉ huy khoa mục

Ngay sau khi hoàn thành khoa mục đội hình chụp ảnh, 9 tàu nhanh chóng cơ động chia tách thành 2 nhóm chiến thuật. Nhóm chiến thuật 1 gồm 5 tàu (Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines) bước vào thực hiện ngay khoa mục vận động đội hình do Tàu 015-Trần Hưng Đạo làm chỉ huy. Trên bộ đàm vang lên âm thanh dạng mã hóa trao đổi từ tàu chỉ huy Ấn Độ hỏi tàu Việt Nam đã sẵn sàng để chỉ huy khoa mục chưa? Tàu Việt Nam bắt đầu đảm nhận vai trò chỉ huy khoa mục bằng câu lệnh thông báo tới các tàu: “Tàu 015-Trần Hưng Đạo sẽ chỉ huy khoa mục vận động đội hình”- tất cả đều được mã hóa. Từ tàu Việt Nam phát đi tín hiệu chiến thuật bằng câu lệnh rõ ràng, yêu cầu các tàu trong nhóm chiến thuật “vận động theo đội hình, tàu chuẩn…, thành lập đội hình…, thứ tự các tàu, hướng đi…, vận tốc chiếm lĩnh…, vận tốc cơ động…, cự ly giữa các tàu…”.

Không khí khẩn trương trên buồng hành trình. 
Không khí khẩn trương trên buồng hành trình. 

Là một trong những thành viên tổ sĩ quan tham mưu đảm nhận vị trí trao đổi thông tin liên lạc với các tàu, Trung úy Đoàn Minh Hiếu, Trưởng ngành Hàng hải, thành viên tổ sĩ quan tham mưu cho biết: “Trong một số tình huống diễn tập, nhất là khi tàu Việt Nam chỉ huy khoa mục, chúng tôi chỉ được phép tác nghiệp trong vài giây để đưa ra các thông số kịp thời đề xuất cho thuyền trưởng về hướng đi, vận tốc, vận động trong đội hình sao cho đúng với tình huống chiến thuật và mốc thời gian quy định, bảo đảm an toàn”.

Theo Trung tá Phạm Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ Sĩ quan tham mưu, tàu Việt Nam được giao chỉ huy một khoa mục diễn tập tương đối phức tạp vì phải liên tục thay đổi các đội hình khác nhau (hàng dọc-kim cương-2 hàng dọc bên trái-1 hàng ngang bên trái). Dưới sự chỉ huy của Tàu 015-Trần Hưng Đạo, các tàu trong nhóm chiến thuật số 1 đã hoàn thành tốt khoa mục, theo đúng định mức thời gian và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Các vị trí trên tàu Việt Nam đã rất cố gắng và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cho thấy sự tự tin và chuyên nghiệp. Các khẩu lệnh từ tàu chỉ huy khoa mục được hô to, rõ ràng, giúp các tàu trong nhóm chiến thuật tiếp nhận thông tin đầy đủ, chính xác và không một tàu nào phải hỏi lại.

Trung tá Phạm Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ sĩ quan tham mưu (người cầm điện thoại) nhận thông tin từ tàu chỉ huy trong diễn tập. 
Trung tá Phạm Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ sĩ quan tham mưu (người cầm điện thoại) nhận thông tin từ tàu chỉ huy trong diễn tập. 

Trong suốt quá trình diễn tập, tổ sĩ quan tham mưu không chỉ một người ghi chép mà 3 người cùng ghi chép các bản điện được mã hóa để so sánh, đối chiếu khi cần thiết nhằm bảo đảm chính xác tuyệt đối trong tiếp nhận thông tin và dịch mã điện. Các sĩ quan đảm nhận vị trí này đều phải có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn tốt và kinh nghiệm hàng hải. Mọi thông tin liên lạc được mã hóa đều được xử lý chính xác, nhanh chóng, kịp thời, cho thấy các sĩ quan của Việt Nam đã làm chủ được ngôn ngữ giao tiếp trong diễn tập hải quân đa phương MTP.

Chia sẻ về áp lực của tàu chỉ huy khoa mục trong diễn tập, Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh cho biết, tàu chỉ huy khoa mục phải kiểm soát thời gian theo đúng quy định trong kế hoạch diễn tập; luôn phải kiểm soát vận tốc cơ động, cự ly an toàn trong toàn đội hình; kịp thời xử trí các tình huống về an toàn hàng hải và điều chỉnh đội hình khi cần thiết. Ngoài ra, luôn phải tăng cường quan sát các mục tiêu khác không nằm trong đội hình tàu nhằm bảo đảm an toàn cho chính tàu mình và các tàu khác trong đội hình.

Các tàu vận động theo đội hình trên biển trong diễn tập. 
Các tàu vận động theo đội hình trên biển trong diễn tập. 

Bảo đảm tuyệt đối an toàn hàng hải

Mặc dù thời tiết thuận lợi, nhưng quanh khu vực diễn tập trải dài trên vùng biển hơn 300 hải lý có nhiều tàu cá hoạt động, gây nguy cơ đâm va, mất an toàn hàng hải cao. Ngoài ra, theo Thiếu tá Hoàng Ngọc Long, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật-Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân, thời gian diễn tập kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm, chưa kể quá trình hành quân trên biển, nên VKTBKT cũng phải hoạt động liên tục với cường độ cao, nhiệt độ trong các khoang máy kèm theo độ ẩm lớn, hơi muối biển nhiều và thường xuất hiện các sự cố. Anh cho biết, trong quá trình diễn tập, trên buồng hành trình không khí làm việc gấp gáp như thế nào thì ở khoang máy, các vị trí của ngành Cơ điện cũng khẩn trương như vậy. Vì để tham gia diễn tập, trước tiên phải bảo đảm các hệ thống VKTBKT trên tàu vận hành trơn tru, hoạt động ổn định và an toàn.

Tàu 015-Trần Hưng Đạo trong đội hình hàng dọc. 
Tàu 015-Trần Hưng Đạo trong đội hình hàng dọc. 

Lường trước được tình hình trong thực tế diễn tập như vậy, kế hoạch diễn tập được các nước thống nhất từ trước đã đưa vào tình huống giả định cứu người rơi xuống nước, có tàu bị hư hỏng kèm theo các hướng dẫn và quy tắc an toàn cụ thể, nhằm kịp thời xử lý, tránh bị động bất ngờ nếu xảy ra sự cố thật chứ không thực hiện diễn tập.

Theo Thuyền trưởng Mã Nguyên Thanh, ở tất cả các khoa mục, các tàu trong nhóm chiến thuật đều phải tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh từ tàu chỉ huy về vận tốc chiếm lĩnh, vận tốc vận động trong đội hình, cự ly giữa các tàu, đặc biệt là các quy tắc bảo đảm an toàn hàng hải trong suốt quá trình diễn tập. Chẳng hạn các tàu trong kênh liên lạc phải treo cờ chữ N theo thủ tục và sử dụng khi đang ở vị trí gần nhau. Ở khoa mục tiếp vận trên biển, tàu Việt Nam chỉ cách tàu Ấn Độ khoảng 100 mét, hai bên đã tiến hành diễn tập thêm nội dung cảnh báo bằng cờ tay, nằm ngoài kế hoạch.

Tàu 015-Trần Hưng Đạo và tàu khu trục tàng hình Hải quân Ấn Độ Satpura trong diễn tập. Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam 
Tàu 015-Trần Hưng Đạo và tàu khu trục tàng hình Hải quân Ấn Độ Satpura trong diễn tập. Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam 

Lần thứ 4 tham gia diễn tập hải quân đa phương, Trung tá Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Qua quá trình diễn tập, được cọ xát thực tế với các tình huống trong diễn tập đã giúp các sĩ quan trẻ trong tổ sĩ quan tham mưu cũng như các vị trí trong toàn tàu có thêm tự tin và kinh nghiệm cho những lần diễn tập sau”.

Đại tá Nguyễn Văn Ngân, Phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác khẳng định, Việt Nam đã tham gia rất tích cực và chủ động trong Diễn tập AIME 2023, đạt kết quả và mục tiêu đặt ra. Tham gia diễn tập cùng với quốc gia giàu kinh nghiệm và truyền thống Hải quân lâu đời như Ấn Độ là dịp rất tốt để Việt Nam tăng cường khả năng phối hợp hiệp đồng trên biển với hải quân các nước, góp phần khẳng định trình độ, năng lực của lực lượng Hải quân cũng như trách nhiệm của Việt Nam trong bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.

Diễn tập Hàng hải Ấn Độ-ASEAN gồm các khoa mục: Diễn tập theo dõi tàu lạ, chụp ảnh đội hình, tiếp vận trên biển, cất cánh hạ trực thăng, diễn tập mã-dịch điện, thông tin ánh đèn. Tham gia Diễn tập AIME gồm 9 tàu hải quân, 4 máy bay, trong đó Ấn Độ tham gia 2 tàu và 1 máy bay trực thăng.

qdnd.vn

Nguồn