Nhộn nhịp xét tuyển ngoài công lập

Đến hẹn lại lên, mỗi khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập cũng là thời điểm các bậc phụ huynh cùng học sinh “đứng ngồi không yên”. Năm nay, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 trường công chỉ có 55,7% trong tổng số hơn 100.000 thí sinh đăng ký dự thi, thấp hơn so với năm ngoái.

Thí sinh dự kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT năm 2023. 

Theo mức công bố của nhiều trường, mức điểm trúng tuyển năm học 2023-2024 cao hơn năm học trước. Tỷ lệ vào các trường công lập đã giảm so với mọi năm, đồng thời điểm chuẩn của các trường đều tăng, trong đó có trường nhảy vọt lên hơn 6 điểm. Nên ngay từ 1-7, các trường ngoài công lập đã bắt đầu thu hồ sơ và làm thủ tục nhập học. Những trường tốp đầu tăng không đáng kể nhưng điểm chuẩn của một số trường ở tốp giữa lại tăng lên. Trong khi điểm chuẩn của Trường THPT Kim Liên chỉ tăng khoảng 2 điểm thì điểm trúng tuyển Trường THPT Đại Mỗ tăng gần 4 điểm so với năm ngoái ở mức 34,75; Trường THPT Trung Văn có điểm chuẩn là 37,75 (tăng hơn 3 điểm so với năm ngoái).

Với mức điểm chuẩn có sự thay đổi này, bên cạnh những em hân hoan vui mừng vì đỗ nguyện vọng 1, 2 thì có hơn 30.000 học sinh bị trượt lớp 10 trường công lập. Đây cũng là lúc mà các phụ huynh lựa chọn và quyết định các trường phù hợp với con mình, để chắc một cơ hội vào lớp 10.

Sau khi biết điểm của con mình, chị Phạm Bích Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) đã cấp tốc đi tìm đến các trường dân lập trên địa bàn Hà Nội để đăng ký nhập học cho con. Không dám chậm trễ, vì cũng sẽ có tới 30.000 thí sinh khác như con mình, nên chị phải tận dụng thời gian sớm nhất để đăng ký trường học. Chị Huyền cho biết: “Gia đình rất lo cho việc học của con. Trường công thì không đỗ rồi nên cấp tốc tìm trường ngoài công lập. Qua tìm hiểu qua một số trường, tôi thấy số điểm của con phù hợp với hai trường THPT Nguyễn Huệ và THPT Hà Thành”.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm với gần 3.000 hồ sơ bán ra, trong ngày đầu tiên tiếp nhận tuyển sinh đã có hơn 1.000 phụ huynh đến đăng ký. Trong khi đó chỉ có hơn 600 chỉ tiêu tuyển sinh và chỉ trong 1 ngày, nhà trường đã tuyển đủ số lượng tuyển sinh. Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho hay: “Năm nay chúng tôi biết học sinh vào nhiều, nhưng chỉ tiêu Sở GD-ĐT cho phép tuyển sinh là 675. Chúng tôi đang xin thêm chỉ tiêu, nếu được thì sẽ giảm sức nóng cho học sinh”.

Bà Đinh Thị Dung, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hà Thành chia sẻ: “Sau khi biết điểm, rất đông học sinh và phụ huynh đã đến trường tôi ngay sáng thứ 7 để đăng ký học. So với năm ngoái thì gần như ồ ạt và chỉ trong 3-4 ngày đã đủ chỉ tiêu vào 10”.

Mặc dù các trường công lập đến mồng 5-7 mới bắt đầu thu hồ sơ và đến mồng 10-7, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục họp để giảm điểm đối với các trường công lập còn thiếu chỉ tiêu. Tuy nhiên để chắc chắn, các phụ huynh đều đã nhanh chóng chốt sổ cho con mình tại nhiều trường dân lập bởi sức nóng tuyển sinh năm nay đã tăng hơn năm trước rất nhiều.

Sớm ổn định tâm lý

Ngay trước khi diễn ra kỳ thi, cả thí sinh và phụ huynh đều xác định một tinh thần sẽ có hơn 40% thí sinh không đỗ vào lớp 10 trường công lập. Trường hợp em nào không may bị trượt tất cả các nguyện vọng vào trường công, cha mẹ bên cạnh việc tìm hiểu và đăng ký cho con vào trường ngoài công lập phù hợp với bản thân, còn cần có sự chia sẻ để con sớm ổn định tâm lý.

Bố mẹ, bạn bè và thầy cô giáo cần chia sẻ để học sinh hiểu được, đó chỉ là một kỳ thi bước đầu, cơ hội phía trước vẫn còn nhiều. Đó có thể là trường tư thục hoặc hệ giáo dục thường xuyên hay các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Do đó, các em cần nhanh chóng ổn định tinh thần, không nên hoang mang, tránh ảnh hưởng tâm lý.

Chia sẻ về điều này, chị Trần Thúy Trinh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Quan trọng nhất là lúc này phải ổn định tinh thần và chuẩn bị tinh thần tốt cho con sau này. Gia đình lựa chọn tiếp cho con về tương lai, hướng tới để chuẩn bị một nghề nghiệp ổn định trong tương lai”.

Theo PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, với chỉ tiêu Hà Nội đưa ra, việc nhiều học sinh không đỗ vào trường công lập là hết sức bình thường. Những người thân trong gia đình nên bình tĩnh và thấu hiểu con mình hơn, thay vì thể hiện cảm xúc tiêu cực trước mặt con. Hiện tại, chương trình học ở các trường công, tư đều giống nhau. Thậm chí, học trường ngoài công lập học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động thực tế hơn, từ đó giúp các con có nhiều trải nghiệm, kiến thức.

Theo phân luồng của Sở GD-ĐT Hà Nội, tuyển vào các trường THPT công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 23,2%. Tuyển sinh vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, từ ngày 5 đến 7-7, các cơ sở giáo dục trả hồ sơ và “Phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024” cho học sinh. Trước 11 giờ ngày 5-7, các trường THPT công lập, trường THPT chuyên công bố danh sách kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Từ 13 giờ 30 phút ngày 5 đến 7-7, thí sinh xác nhận nhập học. Học sinh có thể xác nhận nhập học trực tiếp hoặc trực tuyến…

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG