Xe điện VinFast tiên phong sang thị trường Israel

Israel được đánh giá là một trung tâm kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực cũng như thế giới. Bàn về quan hệ hợp tác thương mại trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa hai nước, mọi người thường chỉ nghĩ tới việc doanh nghiệp Israel đưa sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao sang Việt Nam để đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương lưu ý, đang có nhiều cơ hội và tiềm năng để các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt, đưa sản phẩm “Make in Vietnam” sang Israel.

Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương. Ảnh: B.M

Theo Vụ trưởng Trần Quang Huy, trong xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng áp dụng hệ thống sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa công nghệ sang thị trường khu vực Tây Á này.

Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng điện, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có khả năng thiết kế chế tạo động cơ công suất đến 5MW, các chủng loại biến áp đến 500 KV, chất lượng tương đương sản phẩm của châu Âu. Việt Nam hiện đã trở thành một trong số ít nước thuộc Đông Nam Á có khả năng chế tạo máy biến áp công suất lớn, đang tiến tới xuất khẩu sang các nước phát triển.

Hoặc trong lĩnh vực công nghiệp, nhóm hàng công nghiệp điện tử như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử, thiết bị máy văn phòng, thiết bị nghe nhìn và linh kiện… đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang quốc gia Tây Á.

Nhắc tới những doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt đã tiên phong đưa sản phẩm “Make in Vietnam” sang Israel, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi bày tỏ ấn tượng đặc biệt với dự án xuất khẩu xe điện sang Israel của Công ty VinFast. Vừa qua, VinFast đã công bố B-EV Motors là đại diện phân phối sản phẩm chính thức của hãng này tại thị trường còn khá mới với rất nhiều doanh nghiệp Việt.

“Theo tôi được biết, Isarel đang nỗ lực phát triển lĩnh vực di chuyển điện hóa nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe bán ra trên thị trường là xe điện. Với các lợi thế sẵn có về hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hoàn thiện, giá điện thấp, nền tảng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, Israel là thị trường lý tưởng để VinFast nhanh chóng thúc đẩy phát triển kinh doanh các sản phẩm xe điện, gia tăng sự hiện diện của thương hiệu Việt này trên thị trường quốc tế”, ông Huy nhận định.

Thị trường 9,7 triệu dân với nhiều điểm đặc thù

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam và Israel có nhiều tiềm năng để tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, bởi cơ cấu hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Israel cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Israel các mặt hàng như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ hải sản…;: Và nhập khẩu chủ yếu từ Israel các mặt hàng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả …

Trao đổi thương mại Việt Nam – Israel giai đoạn 2018 – 2022 có đà tăng trưởng tốt. 

Thực tế thời gian qua, cũng đã có doanh nghiệp Việt trong các lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao… liên hệ và đề nghị Vụ Thị trường châu Á – châu Phi hỗ trợ kết nối, tìm hiểu kinh doanh và thâm nhập thị trường Israel.

“Mặc dù dung lượng thị trường khiêm tốn, với quy mô dân số xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Hàng năm, Israel có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, bao gồm cả sản phẩm khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý về đặc thù riêng của thị trường này”, Vụ trưởng Trần Quang Huy chia sẻ thông tin với các doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm Việt, đặc biệt là sản phẩm khoa học công nghệ “Make in Vietnam” sang Israel.

Chẳng hạn, tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng (thủy hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nước giải khát, bánh kẹo, quế, dệt may, giày dép các loại…), kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng.

Về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Israel yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa nhiều khi mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng cả tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt. Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm khoa học công nghệ với giá cả cạnh tranh và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu mà Israel mới ban hành.

Đặc biệt, Israel là đất nước có đặc trưng tôn giáo và sắc tộc. Doanh nghiệp người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Ả-rập có thể yêu cầu chứng nhận Halal, đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định (chủ yếu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng). Đây là hai loại chứng nhận mang tính chất tôn giáo và thường phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của người nhập khẩu theo từng lần giao dịch hoặc từng lô hàng mua bán.

Hiệp định VIFTA mở ra nhiều cơ hội mới

Ngày 25/7/2023, Việt Nam và Israel đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do (VIFTA). Với việc đạt được các thỏa thuận tại tất cả các chương trong Hiệp định, nhất là cam kết mạnh mẽ về nâng cao tỉ lệ tự do hóa thương mại, tỉ lệ tự do hóa tổng thể, và đến cuối lộ trình, cam kết của Israel là giảm tới 92,7% số dòng thuế, trong khi của Việt Nam là 85,8% số dòng thuế, thì hai bên kỳ vọng, VIFTA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp của hai nước tăng cường thúc đẩy giao thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Nir Barkat ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA). Nguồn: Bộ Công Thương

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đánh giá, khi VIFTA có hiệu lực, chủng loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Israel sẽ ngày càng đa dạng hơn, với: Điện thoại di động và linh kiện; máy vi tính và linh kiện; hàng thủy sản; hạt điều; hàng dệt may và giày dép các loại; cà phê; hạt tiêu; máy móc thiết bị; cao su tự nhiên; nước giải khát; sản phẩm chất dẻo; sản phẩm gỗ; sản phẩm hóa chất; hàng thủ công mỹ nghệ, gốm sứ…

Nói cách khác, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra cho các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước, gồm cả sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, sản phẩm khoa học công nghệ “Make in Vietnam”.

“Việc ký kết và triển khai thực hiện VIFTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu”, Vụ trưởng Trần Quang Huy nhấn mạnh, đồng thời lưu ý một số vấn đề các doanh nghiệp Việt cần phải lưu ý nếu muốn khai thác tốt những ưu đãi, lợi thế mà VIFTA mang lại.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần nắm rõ những điều kiện quan trọng để hưởng mức thuế quan ưu đãi khi VIFTA có hiệu lực. Đơn cử, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho VIFTA, và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động sang khảo sát, tìm hiểu thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được tổ chức tại Israel, trực tiếp gặp gỡ đối tác bạn hàng để phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau, qua đó góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường này.

Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel, do đây là địa bàn nhạy cảm về các xung đột và bất ổn có ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu, qua đó bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Israel, trong thời gian tới, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) dự kiến sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan thực hiện đa dạng hoạt động.

Về công tác thông tin thị trường, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi sẽ tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu, phổ biến thông tin thị trường Israel và nội dung VIFTA cũng như lợi ích của Hiệp định mang lại cho doanh nghiệp Việt.

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cùng với Thương vụ Việt Nam tại Israel sẽ tiếp tục cập nhật thông tin diễn biến thị trường, các thay đổi chính sách thương mại, quy định nhập khẩu mới của Israel và đăng tải rộng rãi trên các trang thông tin điện tử, tạp chí.

Thương vụ Việt Nam tại Israel luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt xác minh, thẩm tra tư cách pháp nhân của các đối tác tại Israel, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh.

“Doanh nghiệp Israel ngày càng quan tâm tới thị trường và đối tác Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những nguồn cung cấp hàng hóa ổn định quan trọng tại châu Á (nhất là đối với nhóm hàng nông sản, thủy hải sản, lương thực thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng gia dụng, sản phẩm và thiết bị điện tử, hàng tiêu dùng…) để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước. Nắm bắt được nhu cầu đó, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi hàng năm đều xây dựng kế hoạch tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, chương trình đưa hàng vào hệ thống siêu thị của Israel, tuần hàng tại một số siêu thị lớn tại Israel… nhằm thúc đẩy các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang quốc gia Tây Á này”, Vụ trưởng Trần Quang Huy cho biết thêm.

Vietnamnet.vn