Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày 28-8, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo thống kê của tuyển sinh đại học đợt 1 năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển trên Hệ thống sau lọc ảo là hơn 610.000 em (bằng 107,9% so với số lượng năm 2022). Như vậy, đã có 61,1% số thí sinh trúng tuyển (đợt 1) sau lọc ảo trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Sau khi thí sinh xác nhận nhập học đợt 1, các trường có thể tuyển sinh các đợt bổ sung (nếu còn chỉ tiêu tuyển sinh) cho tới 31-12-2023 theo quy định.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: Khánh Hà 

Dự kiến tỉ lệ nhập học sẽ tương tự như năm 2022 là khoảng 500.000 em. Như vậy, sẽ có khoảng 50% học sinh dự thi tốt nghiệp THPT vào học đại học.

Với quy trình tuyển sinh giữ ổn định như năm 2022 và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong được thực hiện triệt để trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh năm 2023, quyền lợi của thí sinh được đảm bảo, số lượng thí sinh ảo đã giảm nhiều so với các năm trước 2022, tạo thuận lợi hơn cho cả thí sinh và các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại trong quy trình tuyển sinh đại học năm 2023. Cụ thể, còn khá nhiều trường đại học, cao đẳng sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh phức tạp, nhiều nơi chưa đảm bảo công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Nhiều trường xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo.

Trung bình mỗi thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 2,76 nguyện vọng. Đặc biệt, số thí sinh trúng tuyển sớm chọn đăng ký nguyện vọng 1 chỉ chiếm 32,2%. Đây là một trong những cảnh báo tới các trường để điều chỉnh công tác tuyển sinh ở những năm sau. Ngoài ra, số thí sinh trúng tuyển thẳng theo quy chế xác nhận nhập học cũng chỉ chiếm hơn 30%. Điều này cho thấy thí sinh còn những lựa chọn hướng đi ưu tiên khác.

Từ số liệu trên, đại diện Vụ Giáo dục Đại học lưu ý các đơn vị lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

KHÁNH HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.