CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã HAG) vừa công bố thông tin thay đổi bộ nhận diện thương hiệu từ 1/4. Về thiết kế, logo mới vẫn giữ lại bố cục và ý nghĩa như logo cũ nhưng có thay đổi về màu sắc. Đáng chú ý, logo mới có màu sắc khá giống của LPBank với màu chủ đạo là vàng, nâu đất, trắng.

Sau 30 năm xây dựng, vượt qua nhiều thăng trầm, HAGL hiện là công ty hoạt động chuyên về nông nghiệp với các mảng chính là heo ăn chuối, chuối, sầu riêng.

Thành lập từ năm 1993, đây là lần đầu tiên HAGL thay đổi logo. Sự thay đổi lần này của công ty do ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) làm chủ tịch diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp vừa ký hợp tác toàn diện với LPBank. Bầu Thụy đang là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.

img 3699.jpg
Hoàng Anh Gia Lai thay bộ nhận diện mới. Ảnh: HAG

Ngày 4/3, LPBank và HAGL Group ký kết hợp đồng tài trợ 5.000 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp xanh.

Trước đó, hồi tháng 11/2023, LPBank ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. Sau đó, Học viện và Câu lạc bộ đổi tên thành Học viện Bóng đá LPBank – Hoàng Anh Gia Lai và Câu lạc bộ Bóng đá LPBank – Hoàng Anh Gia Lai. 

Trong khi Bầu Thụy đang lên như diều gặp gió, Bầu Đức phải đối mặt với nhiều sóng gió do kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai không như kỳ vọng. HAGL đã thoái vốn mảng khách sạn và bệnh viện để lấy tiền trả nợ trái phiếu.

Tin doanh nghiệp niêm yết

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. 

* FPT: CTCP FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong hai tháng đầu năm 2024 đạt 8.966 tỷ đồng và 1.567 tỷ đồng, tăng 22,9% và 19,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ đạt 1.137 tỷ đồng.

* NAB: Năm nay, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đặt mục tiêu tổng tài sản tăng thêm 11% lên 232.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 9% lên 178.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng.

* MWG: Trong hai tháng đầu năm 2024, CTCP Đầu tư Thế Giới Di động ghi nhận doanh thu 21.613 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và hoàn thành 17% so với kế hoạch doanh thu 125.000 tỷ đồng trong cả năm 2024.

* APC: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu của CTCP Chiếu xạ An Phú.

* GIC: Ngày 2/4, CTCP Đầu tư dịch vụ và Phát triển Xanh chốt giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức năm 2023. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 12%, thanh toán bắt đầu từ ngày 15/4.

* VNC: Ông Phan Văn Hùng, Ủy viên HĐQT CTCP Tập đoàn VinaControl, bán ra hơn 1,67 triệu cổ phiếu từ ngày 11-19/3. 

* NVL: CTCP Diamond Properties, cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland), đã bán ra 4 triệu cổ phiếu trong ngày 18/3 theo phương thức khớp lệnh. 

* OCB: Bà Nguyễn Việt Triều, vợ ông Ngô Hà Bắc, Thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông, đã bán ra 405.000 cổ phiếu từ ngày 20-20/2 theo phương thức khớp lệnh. 

* HCC: Ông Dennis Peter Eric, cổ đông lớn của CTCP Bê tông Hòa Cầm – Intimex, bán ra hơn 228.000 cổ phiếu trong ngày 6/3. Ông này còn nắm giữ hơn 310.000 cổ phiếu, tỷ lệ 4,76%.

* TCB: Ông Phan Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), bán ra 100.000 cổ phiếu từ 21/2-14/3 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

VN-Index

Chốt phiên 22/3, VN-Index tăng 5,38 điểm (+0,42%), lên 1.281,8 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,54 điểm (+0,22%), lên 241,68 điểm. UPCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,15%), lên 90,95 điểm.

Nhận định thị trường, Chứng khoán SHS cho rằng, xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường vẫn vận động tích cực và VN-Index đang trong nhịp tăng, nhưng dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến bất thường khi tiến gần tới ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.300 điểm.

SHS không đánh giá cao khả năng VN-Index vượt 1.300 điểm để hình thành xu hướng tăng mà thiên về khả năng khu vực 1.300 điểm sẽ có rung lắc và rất có thể sẽ điều chỉnh giảm.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại bởi VN-Index vận động ở vùng điểm số cao phía trên kênh tích lũy trung hạn nên rủi ro ngắn hạn tăng lên.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư tận dụng những phiên rung lắc điều chỉnh trong tuần tới để cơ cấu lại danh mục theo hướng ưu tiên chốt lời ngắn hạn các cổ phiếu đã đạt lợi nhuận mục tiêu, hoặc đã chạm nhưng chưa thể bứt phá khỏi vùng kháng cự.

Đồng thời, chuyển sang giải ngân mới với các cổ phiếu chưa bật mạnh so với nền giá gần nhất. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong thời gian tới bao gồm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản.