Gánh nặng chi phí

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản được đánh giá cần cù, chăm chỉ và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản. Theo ông Phạm Viết Hương, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hợp tác trong lĩnh vực lao động và phát triển nguồn nhân lực giữa Việt Nam-Nhật Bản ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Nhiều chương trình, dự án như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng, chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đang phát huy hiệu quả.

Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm hơn 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hằng năm. Kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến nay, trong hơn 30 năm qua đã có hơn 350.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng.

 Thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh do Cục Quản lý lao động ngoài nước cung cấp

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại như: Một số thực tập sinh, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do: Một số doanh nghiệp phái cử Việt Nam không thực hiện tốt việc tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho thực tập sinh trước khi xuất cảnh; thu tiền dịch vụ cao hơn mức quy định; thực tập sinh mất tiền cho đối tượng trung gian, môi giới. Một số đối tác Nhật Bản yêu cầu công ty phái cử trả tiền hoa hồng khi tiếp nhận thực tập sinh, yêu cầu thết đãi quá mức khi đến Việt Nam, tạo gánh nặng chi phí lên người lao động; không thanh toán các khoản phí quản lý, phí phái cử theo thỏa thuận…

Theo nhận định của ông Shishido Kenichi, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc đang gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, trong 15 nước phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu cả về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hằng năm vào Nhật Bản và số lượng thực tập sinh đang thực tập tại nước này.

Tuy nhiên, chi phí trung bình mà người lao động Việt Nam phải bỏ ra để đi Nhật Bản làm việc đang cao hơn cả Trung Quốc, Campuchia và gấp 4 lần Philippines. Ông Shishido Kenichi cho biết, từ cuối năm 2022, các cơ quan Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận về cơ chế mới để người lao động nước ngoài sang Nhật Bản không mất chi phí, yên tâm làm việc và gắn bó, phát triển bền vững.

Công bằng cho người lao động

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chia sẻ, người Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số lao động nước ngoài của Nhật Bản, chiếm 25,4% trong tổng số 1,82 triệu lao động nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản. Tuy nhiên, theo bà Ingrid Christensen, lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản đang phải chịu mức chi phí khá cao.

Một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của ILO liên quan đến chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài cho thấy, thực tế lao động di cư Việt Nam phải trả đến 192 triệu đồng (tương đương 8.000USD) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.

Như vậy chưa tương đồng với tiêu chuẩn quốc tế về các chi phí lao động phải chi trả. Bà Ingrid Christensen nhấn mạnh, việc người lao động trả phí tuyển dụng làm tăng nguy cơ bị cưỡng bức lao động, làm tăng tính dễ bị tổn thương của người lao động khi họ phải trả nợ trong vài tháng và đôi khi vài năm, thậm chí là sau khi kết thúc công việc được tuyển dụng. Do đó, bà Ingrid Christensen cho rằng, Việt Nam và Nhật Bản cần phải nỗ lực xóa bỏ chi phí phải trả liên quan đến hợp tác lao động.

Việt Nam cần khẩn trương xóa bỏ cơ chế tuyển dụng thu phí, thúc đẩy vai trò của các công đoàn, nghiệp đoàn để bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho người lao động và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Để tiến tới giảm chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ông Phạm Viết Hương cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14) đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Lợi dụng hoạt động chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền của người lao động trái pháp luật; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định của luật…

Ủng hộ ý kiến chi phí đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản cần được cải thiện, ông Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) cho rằng: “Con đường chi phí 0 đồng cho người lao động tới Nhật Bản làm việc là con đường dài nhưng sẽ ngắn hơn nếu các đơn vị tuyển dụng, doanh nghiệp, cơ quan chức năng cùng vào cuộc, nỗ lực của các bên để người lao động không phải chịu sự thiệt thòi trong mức phí quá cao. Mặt khác, cũng cần sự vào cuộc của phía Nhật Bản, thống kê bao nhiêu doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia chi phí 0 đồng, bao nhiêu doanh nghiệp sẵn sàng chi trả lệ phí cho người lao động… Nếu giảm chi phí xuất cảnh cho người lao động bằng 0 thì cần cơ chế bảo đảm không có sự phân biệt giữa tiền lương, phúc lợi với người đi làm việc ở Nhật Bản có trả phí để bảo đảm sự công bằng cho người lao động”.

DIỆP CHÂU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.